Lách thời tiết để phun trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa

06:09, 10/09/2019

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian qua, toàn tỉnh đã phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 cho 41.150ha lúa mùa, đạt 95% diện tích cần trừ; trừ sâu đục thân cho 8.550ha lúa, đạt 81% diện tích cần trừ. Tuy nhiên thời điểm phun trừ nhiều ngày có mưa lớn nên một số diện tích lúa chưa kịp phun thuốc hoặc phun xong gặp mưa dẫn đến hiệu quả phòng trừ thấp, mật độ sâu còn khá cao. Đặc biệt trên một số diện tích lúa xanh non, lúa sạ dày, sâu cuốn lá nhỏ vẫn tiếp tục nở do lứa sâu kéo dài và thời tiết rất thuận lợi cho sâu phát sinh, gây hại trực tiếp tới bộ lá đòng. Ngoài ra, nguồn sâu đục thân 2 chấm có mật độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước, hiện một số ruộng đã có tỷ lệ bông bạc tới 10%, đồng thời rầy nâu lứa 6 sẽ nở rộ trong thời gian tới. Theo dự báo, thời tiết những ngày tới sẽ thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, nhất là sâu đục thân 2 chấm lứa 5 sẽ gây hại nặng đối với trà lúa trỗ bông sau ngày 15-9 ở các huyện phía bắc và sau 20-9 đối với các huyện phía nam tỉnh.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, đôn đốc nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, lách thời tiết để kịp thời phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Khẩn trương phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ cho những diện tích có mật độ sâu lớn hơn 20 con/m2. Đối với sâu đục thân 2 chấm lứa 5, tiến hành phun thuốc lúc lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1-5% số bông) và những diện tích lúa đã trỗ nhưng chưa kịp phun trừ khi có mật độ ổ trứng lớn hơn 0,2 ổ/m2; nơi có mật độ trứng lớn hơn 1 ổ/m2 phải trừ kép (lần 1 khi lúa bắt đầu trỗ, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày). Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lúc lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1-5% số bông) cho các giống nhiễm như: Dự hương, X21, BC 15, TBR 225, Q5, Nếp, Thiên ưu 8… Phun phòng bệnh đen lép hạt hoặc kết hợp với các thuốc trừ dịch hại khác khi lúa trỗ 1-5% số bông. Đối với bệnh bạc lá, hiện nay chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu nên cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp thâm canh; không để lúa thừa đạm, tuyệt đối không bón phân đạm muộn. Khi lúa bị bệnh, không phun thuốc kích thích sinh trưởng hay phân bón qua lá. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là UBND cấp xã, tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn đảm bảo các cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chỉ cung ứng những loại thuốc có trong danh mục cho phép và theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh./.

Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com