Chiều 29-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 4 (bão Podul). Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì. Dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định; đại diện Công ty Điện lực Nam Định và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. |
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, hồi 13 giờ ngày 29-8, vị trí tâm bão số 4 (bão Podul) cách đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão. Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, từ sáng sớm đến trưa nay (30-8) bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng hoàn lưu phía bắc của bão số 4, từ đêm 29-8 và ngày 30-8 tỉnh ta có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong cơn dông cần đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh; gió trong đất liền cấp 4-5, vùng ven biển có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, vùng biển tỉnh Nam Định mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động rất mạnh. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt từ 100-200mm.
Để triển khai ứng phó với bão số 4, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công văn số 26/BCH-VP, Công điện số 04/CĐ-PCTT vào hồi 15 giờ cùng ngày 27-8-2019 chỉ đạo các sở, ngành và địa phương; các Công ty Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp chống bão số 4. Đến 10 giờ ngày 29-8, tổng số tàu, thuyền ở khu vực là 2.135 tàu/6.029 ngư dân; có 1.315 tàu/3.653 ngư dân neo đậu tại các bến của tỉnh; số tàu neo đậu ngoại tỉnh 5 tàu/33 ngư dân. Số phương tiện đang hoạt động ở khu vực đầm bãi, đánh bắt gần bờ (đi về trong ngày) trên vùng biển của tỉnh là 617 phương tiện/1.312 người. Số phương tiện đánh bắt, hoạt động ngoại tỉnh từ vùng biển Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 198 phương tiện/1.031 người. Tại Cảng cá Ninh Cơ có 33 phương tiện/252 người đang neo đậu. Khu vực ven biển của tỉnh có 1.024 lều, chòi/1.317 người trông coi thủy sản. Các địa phương, đơn vị đã thông báo để nhân dân nắm và theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 4, sẵn sàng vào tránh trú khi có lệnh. Đối với khu vực nội đồng, hiện tất cả hệ thống thủy nông của tỉnh đang triển khai tiêu rút nước đệm để ứng phó với mưa bão. Công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện vận chuyển, ứng cứu và phương án sơ tán dân tại các địa bàn khi có bão đổ bộ vào đã được hoàn tất theo đúng kế hoạch. Các công trình, dự án đê, kè, cống đang thi công đều sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và an toàn công trình… Tại huyện Hải Hậu ở vị trí mái kè Cồn Tròn, xã Hải Hòa có một hố sập có diện tích 25m2, sâu 0,4m; sáng 29-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Hải Hậu huy động lực lượng xung kích xã Hải Hòa xử lý giờ đầu xong trước bão số 4 với giải pháp: trải vải chống tràn, xếp một hàng rọ thép đựng đá hộc phủ kín hố võng, các rọ liên kết với nhau bằng dây thép buộc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các địa phương nghiêm túc triển khai ngay một số giải pháp: các huyện ven biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên nắm vững thông tin liên lạc với chủ các phương tiện tàu, thuyền và bà con ngư dân hoạt động khai thác trên biển và sinh sống tại vùng ven biển để hướng dẫn người dân các phương án chủ động phòng tránh, không đưa tàu, thuyền vào vùng nguy hiểm; tổ chức cấm biển và kêu gọi người dân trên các lều, chòi canh coi thủy sản vào đất liền từ 18 giờ ngày 29-8; các huyện, thành phố đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp chằng chống bảo vệ nhà cửa, bảo vệ ao đầm nuôi thủy sản; phối hợp chặt chẽ với các Công ty Khai thác công trình thủy lợi chủ động đảm bảo điều tiết nước, tránh tình trạng ngập úng; thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ tuyến đê sông, đê biển, đặc biệt chú trọng các điểm xung yếu, các vị trí mới hư hỏng…; thành phố Nam Định chỉ đạo Công ty Công trình đô thị Nam Định chủ động thực hiện các phương án tiêu thoát nước, tránh để xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động nắm tình hình để tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Yêu cầu Công ty Điện lực Nam Định, các Công ty Thủy nông thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đảm bảo đủ nguồn điện, điều tiết tốt nguồn nước, hạn chế thấp nhất tình trạng úng, ngập bảo vệ lúa mùa, cây màu hè thu. Các sở, ngành, chủ đầu tư có công trình đang thi công liên quan đến công tác phòng, chống lụt bão phải có phương án đảm bảo an toàn cho người lao động, phương tiện và công trình. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực bão nghiêm túc theo quy định và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, giảm tối đa thiệt hại do bão số 4 gây ra./.
Tin, ảnh: Thành Trung