Khống chế hoàn toàn sâu keo mùa thu hại lúa mùa

05:08, 26/08/2019

Sau khi phát hiện, sâu keo mùa thu đã lây lan và gây hại trên lúa mùa của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức điều tra và theo dõi tình hình sâu keo mùa thu; khẩn trương hướng dẫn quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và đại diện một số xã, hợp tác xã đã xuất hiện sâu keo. Chi cục đã tổ chức khoanh vùng và sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC, 300WG, Ammate®150EC, Obaone 95WG, Sunset 300WG...) và hoạt chất khác như: Takumi 20WG, Prevathon® 5SC, Match 050EC, Chlorferan 240 SC... phun trừ kịp thời cho toàn bộ diện tích nhiễm (5ha) lúc sâu tuổi nhỏ (từ 1-3 tuổi). Do tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và phun trừ ngay khi phát hiện bằng thuốc đặc hiệu nên hiệu quả phòng trừ cao. Qua thực tế kiểm tra đồng ruộng sau khi phun trừ với sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Bắc và Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: Sau khoảng 1 tháng từ ngày xuất hiện trên lúa đến nay sâu keo mùa thu đã hoàn toàn bị khống chế, không còn khả năng lây lan và phát sinh gây hại. Tại các điểm sâu keo mùa thu xuất hiện, sau khi được phun trừ, lúa đã phát triển bình thường, không bị thiệt hại về năng suất. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường công tác điều tra mở rộng nhưng chưa phát hiện sâu keo mùa thu trên lúa lây lan sang các địa bàn khác.

Ðể chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh, bảo vệ an toàn dàn lúa mùa từ nay đến cuối vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh gây hại cũng như các biện pháp kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu và những đối tượng dịch hại cuối vụ khác để các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, phát hiện diện tích lúa nhiễm sâu bệnh, phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”. Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt và tiêu diệt sâu trưởng thành; sử dụng biện pháp thủ công tiêu diệt ổ trứng, sâu non, các biện pháp canh tác vệ sinh đồng ruộng. Tăng cường công tác điều tra phát hiện, giám sát đồng ruộng để tham mưu biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Ðồng thời quan tâm phun trừ sâu đục thân 2 chấm khi lúa bắt đầu trỗ (trỗ 1-5% số bông) cho những diện tích có mật độ ổ trứng lớn hơn 0,2 ổ/m2; nơi có mật độ trứng lớn hơn 1 ổ/m2 phải trừ kép (lần 1 khi lúa thấp tho trỗ, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày); sử dụng thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole (Prevathon® 5SC, Voliam Targo 063SC và Virtako 40WG). Phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 5, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn cổ bông... tập trung từ ngày 27-8 đến ngày 2-9. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật; chỉ đạo các đại lý, hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cung ứng và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh./.

Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com