Khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3

03:08, 01/08/2019

Sáng 1-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã họp triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 3. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì. Dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định; đại diện Công ty Điện lực Nam Định và các Công ty Khai thác công trình thủy lợi của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, lượng mưa đo được từ ngày 30-7 đến 7h ngày 1-8 bình quân trong toàn tỉnh là 24mm. Mực nước trên sông Hồng tại cống Cồn Nhất (Giao Thủy) là +0,5m (dưới báo động 1), trên sông Ninh Cơ tại Trực Phương (Trực Ninh) là 0,92m… Đến 6h30’ ngày 1-8, số tàu, thuyền neo đậu tại các bến của tỉnh 1.262 tàu/3.625 người; số tàu neo đậu ngoại tỉnh 4 tàu/32 ngư dân. Số phương tiện đang hoạt động ở khu vực đầm bãi, đánh bắt gần bờ (đi về trong ngày) trên vùng biển của tỉnh là 723 phương tiện/1.660 người. Số phương tiện đánh bắt, hoạt động ngoại tỉnh từ vùng biển Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 148 phương tiện/722 người. Tại Cảng cá Ninh Cơ có 78 phương tiện/604 người ngoại tỉnh đang neo đậu. Ngoài ra tại các khu vực ven biển của tỉnh có 1.024 lều, chòi/1.317 người trông coi thủy sản. Đối với khu vực nội đồng, hiện tất cả hệ thống thủy nông của tỉnh đang triển khai tiêu rút nước đệm để ứng phó với mưa bão. Công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện vận chuyển, ứng cứu và phương án sơ tán dân tại các địa bàn khi có bão đổ bộ vào đã được hoàn tất theo đúng kế hoạch. Các công trình, dự án đê, kè, cống đang thi công đều sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và an toàn công trình…

Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công văn số 24/BCH-VP ngày 29-7, Công điện số 02/CĐ-PCTT hồi 15h ngày 30-7, Công điện số 03/CĐ-PCTT hồi 15h ngày 31-7, Công điện số 06 ngày 1-8 vào hồi 10h30 chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành, các Công ty thủy nông trên địa bàn tập trung triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3. Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện tàu, thuyền để hướng dẫn xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn tàu, thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm và neo đậu vào những vị trí đảm bảo an toàn khi bão vào; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo vệ sản xuất, chống úng ngập cho lúa mùa, cây màu hè thu; đảm bảo an toàn cho người dân tại các vùng nuôi thủy sản ven biển, ven sông và trên các lồng, bè; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, nhà máy, các dự án đang thi công ven biển; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc và dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc… Tổ chức trực ban nghiêm túc theo quy định.

Theo dự báo, nhiều khả năng bão số 3 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ từ trưa 1-8 và đổ bộ vào đất liền vào đêm ngày 2-8 với sức gió từ cấp 7 đến cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Trọng tâm bão số 3 từ tỉnh Quảng Ninh đến Hải Phòng, sau đó sẽ di chuyển xuống phía dưới và ảnh hưởng đến tỉnh ta. Bão số 3 sẽ gây mưa trên diện rộng và kéo dài từ ngày 1 đến mùng 4-8. Như vậy nhiều khả năng tỉnh ta sẽ có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển cấp 7, giật cấp 10 và có lượng mưa lớn.

Từ những nhận định trên, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Do diễn biến phức tạp của bão số 3 nên các huyện, thành phố, các sở, ngành và các đơn vị cần thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của cơn bão; đồng thời các cơ quan thông tin của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để kịp thời cập nhật và thông tin sớm nhất diễn biến của cơn bão này tới cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân làm cơ sở triển khai các phương án ứng phó hiệu quả. Các huyện ven biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên nắm vững thông tin liên lạc với chủ các phương tiện tàu, thuyền và bà con ngư dân hoạt động khai thác trên biển và sinh sống tại vùng ven biển để hướng dẫn người dân các phương án chủ động phòng tránh, không đưa tàu, thuyền vào vùng nguy hiểm. Tổ chức cấm biển và kêu gọi người dân trên các lều, chòi canh coi thủy sản vào đất liền trước 9h sáng ngày 2-8; đồng thời cấm tất cả hoạt động vui chơi trên bãi biển từ 15h cùng ngày. Các huyện, thành phố đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân thực hiện các biện pháp chằng chống bảo vệ nhà cửa, bảo vệ ao đầm nuôi thủy sản. Những địa phương có nhiều nhà yếu, nhà tạm tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân bảo vệ nhà cửa và sẵn sàng di dời khi có yêu cầu; các cơ quan, công sở chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ. Riêng Thành phố Nam Định phải chủ động thực hiện các phương án tiêu thoát nước, chỉ đạo cơ quan chuyên môn cắt tỉa cây xanh để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động nắm tình hình để tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty Điện lực Nam Định, các Công ty thủy nông thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đảm bảo đủ nguồn điện, điều tiết tốt nguồn nước, hạn chế thấp nhất tình trạng úng, ngập tại địa bàn thành phố và bảo vệ lúa mùa, cây màu hè thu. Sở Giao thông Vận tải chú ý quản lý, hướng dẫn các chủ đò, phà vượt sông, tránh rủi ro và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện khi lưu thông. Các sở, ngành, chủ đầu tư có công trình đang thi công liên quan đến công tác phòng, chống lụt bão phải có phương án đảm bảo an toàn cho người lao động, phương tiện và công trình. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực bão nghiêm túc theo quy định và triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, góp phần giảm tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra./.

Tin, ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com