Giá thịt lợn hơi tại nhiều địa phương đang có xu hướng tăng mạnh sau một thời gian chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc ngày 14-8 tiếp tục ở mức cao, có nơi lên đến 55 nghìn đồng/kg như ở Thái Nguyên, tăng 9.000 đồng/kg so với ngày hôm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tại các tỉnh trong khu vực như: Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc, giá thịt lợn hơi vẫn duy trì mức cao từ 50-53 nghìn đồng/kg.
Tại các tỉnh khu vực phía Nam, giá thịt lợn hơi đang được giao dịch ở mức khá cao, từ 32-40 nghìn đồng/kg và đây là mức cao nhất từ nhiều tháng qua. Ở khu vực Đông Nam Bộ, giá thịt lợn hơi cũng đang ở mức từ 37-38 nghìn đồng/kg. Khu vực Tây Nam Bộ như: An Giang, Trà Vinh… thịt lợn hơi có mức giá 40 nghìn đồng/kg...
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ở thời điểm hiện tại, giá lợn hơi tại miền Bắc khoảng từ 40-45 nghìn đồng/kg. Tại miền Nam cũng đã ở mức gần 40 nghìn đồng/kg. Theo ông Dương, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn đang tăng. Bên cạnh đó, nguồn cung thịt lợn đang bị hạn chế do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua đã làm nhiều nơi chưa thể tái đàn ngay được. Dự báo, thời gian tới giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng, bình quân sẽ đạt trên 40 nghìn đồng/kg, thậm chí mức giá cao nhất có thể lên tới 50 nghìn đồng/kg.
Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, với đà tăng này, giá thịt lợn hơi có thể lên mức 60 nghìn đồng/kg trong năm nay. Sở dĩ, khu vực phía Bắc giá thịt lợn hơi tăng là do nhu cầu thị trường tăng. Đặc biệt, đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến cho khoảng hơn 3 triệu con lợn bị tiêu hủy. Trong khi đó, khả năng tái đàn của các trang trại nuôi lợn đang bị hạn chế.
Liên quan đến số lượng thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, hơn 8.000 tấn, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, so với sản lượng thịt lợn hơi của Việt Nam đạt khoảng 2 triệu tấn thì con số 8.000 tấn thịt lợn nhập khẩu là không đáng ngại và tác động đến thị trường thịt lợn trong nước không thật sự rõ ràng.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, cần phải xây dựng được những hàng rào kỹ thuật cho phù hợp nhằm hạn chế một số sản phẩm thịt chất lượng kém, cận hạn sử dụng, sản phẩm có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Bởi nếu để những loại thực phẩm này "tràn" vào Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới người chăn nuôi trong nước mà sức khỏe người tiêu dùng cũng nguy cơ bị đe dọa./.
PV