Chuyển biến về chỉ số minh bạch ngân sách

07:06, 14/06/2019

Ngày 12-6, Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) công bố Chỉ số Công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018. Kết quả số điểm trung bình cao hơn trước cho thấy mức độ tiến bộ chung của các tỉnh về công khai minh bạch ngân sách.

Cụ thể, năm 2018, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tại các địa phương đạt 51 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn mức trung bình 30,5 điểm lần trước, điều này cho thấy mức độ tiến bộ chung của các tỉnh về công khai minh bạch ngân sách.

Trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương chỉ duy nhất Đà Nẵng có chỉ số công khai minh bạch ngân sách thuộc nhóm A công khai đầy đủ. Cá biệt, Hải Phòng là thành phố duy nhất cả nước có số điểm dưới 10, công khai ngân sách ít nhất với 5,14 điểm. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ đều thuộc nhóm công khai chưa đầy đủ (có số điểm dưới 50 và trên 25).

Cả nước có 6 tỉnh được đánh giá công bố đầy đủ các thông tin về ngân sách với số điểm khoảng 75-100 điểm thuộc nhóm A. Dẫn đầu cả nước về minh bạch là tỉnh Vĩnh Long với 90,52 điểm.

2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều thuộc nhóm C công khai chưa đầy đủ cùng 19 tỉnh khác. Nhóm D công khai ngân sách ít gồm 9 tỉnh có số điểm dưới 25. Ngoài Hải Phòng, 7 tỉnh còn lại thuộc nhóm này gồm Hòa Bình, Bắc Giang, Bình Phước, Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Bình, Lâm Đồng, Sơn La. Khu vực được kỳ vọng có số điểm POBI cao là vùng đồng bằng sông Hồng lại có số điểm trung bình thấp, đứng thứ 4 trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 50,16 điểm. Vùng công khai ngân sách ít nhất là Bắc Trung Bộ.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố công khai. Trong đó, 39 tỉnh công khai danh mục đầu tư công.

Cơ quan khảo sát cho biết điểm số POBI 2018 là điểm của 65 câu hỏi quy về thang điểm 100. Trong số 9 tài liệu khảo sát để tính điểm POBI 2018 có 7 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 gồm các dự thảo, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách, thuyết minh, quyết toán ngân sách. Có 2 tài liệu cần phải công khai theo thông lệ tốt của quốc tế là báo cáo ngân sách công dân và kế hoạch đầu tư công.

Đánh giá về kết quả năm nay, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành nhận định: Khác với năm 2017, năm nay không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai ngân sách trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên vẫn còn 32 tỉnh, thành phố nằm dưới hạng trung bình. “Điều này cho thấy dù có nỗ lực rõ rệt, nhưng vẫn còn khoảng 50% tỉnh, thành phố cần tuân thủ và cải thiện mức độ công khai, minh bạch ngân sách tỉnh”, ông Nguyễn Đức Thành nói.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng khảo sát mức độ tham gia của người dân trong quá trình công khai ngân sách cấp tỉnh. Theo báo cáo, nhìn chung các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình này. Bắc Ninh là tỉnh đạt số điểm cao nhất với 66,6 điểm. Các tỉnh Bắc Giang, Bến Tre, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên và Thái Bình công dân ít được tham gia nhất. “Đáng quan ngại là khi khảo sát sự tham gia của người dân vào công khai ngân sách thì cơ quan khảo sát nhận được phản hồi gần như không có. Trong khi đó, một số địa phương thì có sự tương tác nhưng khá thấp”, ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com