Ngày 24-4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nhiệm vụ cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi. Ðồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 3-2019, tổng đàn lợn của tỉnh có 735,2 nghìn con, giảm 18 nghìn con so với cùng kỳ năm 2018. Trên địa bàn tỉnh có 332 trang trại, trong đó có 224 trang trại chăn nuôi lợn; có 14 trang trại được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP; 30 cơ sở chăn nuôi được công nhận an toàn dịch bệnh. Thời gian qua, các ngành, các cấp đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh; tổ chức rà soát, thống kê, giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi. Từ ngày 5-3 đến 22-4-2019 đã lấy 524 mẫu để xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 340 cơ sở chăn nuôi lợn của 161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 391 mẫu của 151 xã, phường, thị trấn dương tính với vi-rút bệnh dịch tả lợn châu Phi. Công tác xử lý ổ dịch được thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Quá trình tiêu hủy đã đảm bảo hạn chế tối đa việc phát tán mầm bệnh ra môi trường. Mặc dù đã triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp nhưng dịch bệnh tại tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Ðến ngày 22-4-2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 9.781 hộ chăn nuôi tại 151 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố; tổng số lợn chết, tiêu hủy là 47.738 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 2.392 tấn. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi thời gian qua là ở một số địa phương việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh không đồng đều, còn có sự đan xen giữa các xã hoặc thôn, xóm, hộ chăn nuôi thực hiện tốt và không tốt; việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch còn mang tính hình thức. Ðặc biệt là công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, công tác kiểm tra, kiểm soát lợn và sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch, công tác tiêu hủy có nơi chưa đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên việc khống chế dịch bệnh rất khó khăn và ngày càng bùng phát mạnh trên toàn tỉnh. Công tác tiêu hủy lợn ở một số địa phương chưa đảm bảo kỹ thuật và lượng lợn tiêu hủy quá nhiều dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường đã bắt đầu xảy ra ở các địa phương.
Hội nghị cũng nghe đại diện các huyện, xã, các trang trại lớn và Trung tâm Giống gia súc gia cầm tỉnh chia sẻ các vấn đề khó khăn, kinh nghiệm phòng ngừa xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thời gian tới, để khống chế, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung các Công điện của UBND tỉnh về việc ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường tuyên truyền về tác hại, cách nhận biết và biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để phòng bệnh hữu hiệu; thông tin kịp thời, chính xác tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh và chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch theo quy định của Chủ tịch UBND tỉnh. Ðối với các địa phương chưa có dịch, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng bệnh, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, các trường hợp lợn ốm, chết bất thường phải thông báo ngay với thú y, chính quyền địa phương để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn không đúng quy định... Ðối với các địa phương đã xảy ra dịch, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống dịch; yêu cầu người hành nghề thú y cam kết không được tự điều trị lợn ốm nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn cam kết không thu mua, giết mổ lợn ốm, chết; tạm dừng buôn bán vận chuyển và tái đàn tại các xã có dịch đến khi công bố hết dịch; hướng dẫn thực hiện đúng quy trình vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, tiêu hủy lợn bệnh. Lập hồ sơ tiêu hủy theo hướng dẫn và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch theo quy định tại Quyết định số 701/QÐ-UBND ngày 3-4-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh theo địa bàn, lĩnh vực được phân công thường xuyên xuống cơ sở, nắm chắc tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Thành lập các đoàn công tác xuống các xã, thị trấn để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, địa điểm tiêu hủy động vật khi dịch bệnh xảy ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn, sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời nhấn mạnh: Trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, mật độ chăn nuôi ở một số vùng còn cao, điều kiện chăn nuôi không được đảm bảo, nhận thức của người chăn nuôi về bệnh, phương thức lan truyền bệnh chưa đầy đủ, đồng đều và toàn diện, thời tiết giao mùa... thì dịch tả lợn châu Phi sẽ có nguy cơ tiếp tục lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chăn nuôi của tỉnh. Do vậy, các cấp, ngành từ tỉnh tới cơ sở và người chăn nuôi phải triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn các biện pháp để tiến tới kiềm chế, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng phát sinh ổ bệnh mới, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi. Ðồng chí lưu ý, người chăn nuôi phải chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, khống chế ngăn chặn các nguy cơ của mầm bệnh có thể tấn công vào đàn lợn. Các trang trại thực hiện cấm trại toàn phần, chỉ người được giao nhiệm vụ mới được tiếp xúc với đàn lợn và phải thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng trang phục, kiểm soát thức ăn, các giao dịch tại khu chăn nuôi. Sử dụng hệ thống chiếu sáng bằng đèn cực tím để khử khuẩn, khử trùng kết hợp với việc tiêu diệt chim, chuột, phun vôi bột để phòng ngừa các nguy cơ bên ngoài. Cùng với Nhà nước, các chủ trang trại cần chủ động kinh phí mua hóa chất, vôi bột và phương tiện vật tư cần thiết khác phục vụ công tác phòng bệnh. Các thôn, xóm tập trung tổng vệ sinh môi trường; giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp mang lợn ốm, lợn bệnh ra khỏi địa bàn; không để tình trạng phóng thích lợn chết ra kênh mương, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, phát tán bệnh. Các xã, phường, thị trấn quản lý chặt các chốt kiểm dịch, các đại lý kinh doanh hóa chất, thức ăn chăn nuôi. Quản lý chặt đội ngũ thú y cơ sở, người kinh doanh vận chuyển, giết mổ động vật; thực hiện tốt việc tiêu hủy lợn bệnh, chôn lấp đúng quy trình hướng dẫn. Chủ động bố trí nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch theo đúng Luật Ngân sách. Thường xuyên báo cáo cấp ủy để chỉ đạo, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch; đồng thời nghiêm túc thẳng thắn chấn chỉnh những địa phương, thôn, xóm làm không tốt để tạo sự đồng bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở mô hình kinh nghiệm phòng chống dịch của Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh hoàn thiện ngay quy trình chung để hướng dẫn thực hiện cho các trang trại; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy trình xử lý lợn nhiễm bệnh để đảm bảo thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh về những vấn đề về cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các cơ quan báo chí của tỉnh cần tập trung tuyên truyền về các kỹ năng, kỹ thuật trong quản lý bệnh, các mô hình làm tốt, cách làm hay; đồng thời nêu những địa phương làm không tốt nhằm tạo sự đồng thuận để nhanh chóng khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi./.
Tin, ảnh: Văn Đại