Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thụy Điển U-ban A-lin, Chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri Cô-vơ La-dơ-lô và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Mi-lan Xơ-tếch, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sẽ thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Hung-ga-ri và Cộng hòa Séc từ ngày 6 đến ngày 14-4.
Hai nước Việt Nam - Thụy Điển có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp. Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước trong thời gian qua được thúc đẩy trên cả bình diện song phương và qua các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương.
Thụy Điển là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu và khu vực Tây Bắc Âu. Chính phủ Thụy Điển đã có nhiều hoạt động khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Thụy Điển sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thụy Điển dành cho Việt Nam nguồn viện trợ không hoàn lại giá trị (bắt đầu từ 1967, tổng viện trợ trên 3 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: Y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, cải cách hành chính, luật pháp, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, xây dựng Nhà nước pháp quyền...).
Hiện nay, hợp tác phát triển giữa hai nước chuyển sang quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Bên cạnh tăng cường hợp tác kinh tế, hai bên cũng xác định mở rộng hợp tác về GD và ĐT, KH và CN, y tế.
* Việt Nam và Hung-ga-ri có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp. Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả của Nhà nước và nhân dân Hung-ga-ri đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam. Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã được đào tạo tại Hung-ga-ri và nhiều người trong số đó đang giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước cũng như trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Đây là tài sản vô giá của tình hữu nghị Việt Nam - Hung-ga-ri.
Đầu tháng 1-2017, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nội dung Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hung-ga-ri về việc thiết lập Chương trình khung hợp tác tài chính.
Bên cạnh sự hợp tác tích cực, hiệu quả trên nhiều mặt giữa chính phủ hai nước, hai bên có sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế.
Đối với Hung-ga-ri, Việt Nam là đối tác truyền thống chiến lược ở khu vực, là cửa ngõ, cầu nối thúc đẩy quan hệ trao đổi hợp tác giữa Hung-ga-ri và khu vực ASEAN năng động. Cùng với đó, Hung-ga-ri có nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng luật pháp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan lập pháp hai nước.
* Việt Nam và Cộng hòa Séc có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Thời gian qua, quan hệ song phương hai nước có những bước phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao,...
Hai nước cũng nỗ lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Cộng hòa Séc quan tâm đến thị trường Việt Nam...
Bên cạnh đó, Chính phủ Cộng hòa Séc cũng có nhiều sự quan tâm, giúp đỡ đối với cộng đồng người Việt Nam tại nước sở tại, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam hòa nhập tốt và ổn định cuộc sống, phát huy vai trò cầu nối tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc...
Theo chinhphu.vn