Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 20 nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) của gần 3.000 doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, trong đó chiếm 60-65% là sản phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm về chất lượng sản phẩm TPCN như: hàm lượng không đúng như đăng ký, có sản phẩm nhiễm vi sinh vật, vi nấm, quảng cáo sản phẩm không phép…
Đáng chú ý, phần lớn sai phạm về TPCN lại rơi vào các sản phẩm sản xuất trong nước. Thậm chí, cơ quan quản lý còn phát hiện có cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN chỉ có văn phòng đại diện, không có nhà máy, nhưng cũng công bố sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường.
Phản ứng trước việc nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, do hiện nay chưa có quy định bắt buộc sản xuất TPCN phải áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) nên xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thô sơ cũng tham gia sản xuất TPCN dẫn tới việc không bảo đảm chất lượng. Vì vậy để bảo đảm an toàn sức khỏe và quyền lợi cho tiêu dùng, tới đây, Bộ Y tế sẽ quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN bằng việc yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn GMP, nhằm đảm bảo sự ổn định về chất lượng của sản phẩm và tính kiểm soát của sản phẩm sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc áp dụng chuẩn GMP trong sản xuất TPCN không chỉ nhằm đảm bảo chất lượng của TPCN mà còn tạo hành lang pháp lý cho thị trường phát triển một cách công bằng bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan y tế cũng sẽ quản lý chặt hơn với các doanh nghiệp không đủ điều kiện về cơ sở sản xuất, những cơ sở cố ý vi phạm, đưa ra thị trường sản phẩm TPCN không đảm bảo./.
Theo SGGP