Ngày 5-1-2016, Bộ NN và PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2015, triển khai kế hoạch năm 2016 và kế hoạch 5 năm 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: NN và PTNT, KH và ĐT, LĐ-TB và XH, TN và MT, Y tế, Công an tỉnh, Công thương, Văn phòng UBND tỉnh.
Năm 2015, ngành NN và PTNT thực hiện kế hoạch nhiệm vụ trong điều kiện phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành nên toàn ngành NN và PTNT đã vượt qua khó khăn, đối phó kịp thời, có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết; tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành trên tất cả các lĩnh vực, đã đem lại những kết quả bước đầu; sản xuất các lĩnh vực tiếp tục phát triển theo hướng chủ đạo là nâng cao chất lượng, đồng thời vẫn tăng số lượng theo nhu cầu thị trường. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,41%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 2,62%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,28%, lâm nghiệp tăng 7,92%, thủy sản tăng 3,06%. Nhiều địa phương đã tạo được chuyển biến rõ nét trong lựa chọn cây, con chủ lực để tập trung đầu tư phát triển; tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ với quy mô lớn hơn; đã chú trọng quy hoạch và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất đã tăng nhanh, giảm được khá nhiều tổn thất và chi phí. Hệ thống thủy lợi, đê điều tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hóa. Công tác quản lý chất lượng và VSATTP đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt đã phối hợp tốt với các cơ quan công an, quản lý thị trường để ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường; tích cực tham gia và tổ chức thực hiện các hiệp định thương mại, tháo gỡ rào cản, phát triển thị trường. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nhiều vùng nông thôn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư nông thôn.
Tổng thể cả giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn nhưng ngành NN và PTNT vẫn đạt được mục tiêu “Duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và bảo đảm an sinh xã hội của cả nước. Thu nhập của người dân nông thôn tăng khoảng 2 lần so với năm 2010, đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra… Trong năm 2016 và 5 năm 2016-2020, ngành NN và PTNT tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả; phát triển nông thôn và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; phát triển nghiên cứu khoa học, khuyến nông và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của ngành NN và PTNT và bà con nông dân cả nước, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nông nghiệp, nông thôn nước ta như: khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của một số ngành hàng, sản phẩm chưa cao; xây dựng NTM đạt kết quả chưa đồng đều, đời sống của một bộ phận nông dân còn gặp nhiều khó khăn; đổi mới tổ chức sản xuất thực hiện chậm; công tác quản lý chất lượng và bảo đảm VSATTP, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập; công tác cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư còn chậm, quá trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ NN và PTNT với các địa phương có lúc vẫn chưa thật hiệu quả… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành NN và PTNT phát huy những thành quả đạt được, ra sức khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế. Trong năm 2016 và 5 năm giai đoạn 2016-2020, ngành NN và PTNT cần triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tinh thần quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có lựa chọn, phát huy những lợi thế phù hợp với thị trường, với điều kiện hội nhập để đạt hiệu quả cao hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ NN và PTNT và toàn ngành phải đặc biệt quan tâm hoàn thiện thể chế, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước của ngành NN và PTNT để phát triển tốt hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân. Rà soát, cập nhật kế hoạch, quy hoạch các Đề án. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý để bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước của ngành NN và PTNT. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ NN và PTNT và các địa phương cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và các lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong thực tế. Đề ra những cơ chế, chính sách để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của nông sản trong nước. Khuyến khích, nhân rộng mô hình liên kết, hợp tác từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tái cơ cấu các nông, lâm trường quốc doanh theo hướng có hiệu quả hơn. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cần khuyến khích mạnh các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở địa bàn nông thôn. Thu hút các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành NN và PTNT. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt chú ý tới chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo VSATTP. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu./.
Ngọc Ánh