Ngày 9-4-2015, Bộ NN và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN và PTNT. Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở: NN và PTNT, KH và ĐT, Công thương, Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT chủ trì hội nghị. |
Sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tham gia vào nền kinh tế toàn cầu bình đẳng với tất cả các thành viên khác của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh. Kể từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và đang triển khai 7 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN - Úc/New Zealand, FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản và FTA Việt Nam - Nhật Bản. Tại hội nghị, Bộ NN và PTNT đã đánh giá công tác hội nhập kinh tế quốc tế của ngành; tình hình thực hiện kế hoạch tháng 3, quý I và các nhiệm vụ chủ yếu từ nay đến cuối năm; dự thảo “Chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN và PTNT đến năm 2030”. Hội nghị còn tập trung đánh giá các cam kết mở cửa thị trường trong nước đối với nông, lâm, thủy sản và lâm sản Việt Nam phải thực hiện khi triển khai 7 FTA đã ký, khái quát thời cơ và thách thức, đồng thời đưa ra các khuyến cáo và định hướng chiến lược một số ngành hàng nông, lâm, thủy sản và thị trường nhập khẩu quan trọng.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là cần thiết, phù hợp với lợi ích lâu dài của đất nước. Đồng chí yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, viện, trường chủ động tìm hiểu sâu rộng những thông tin có liên quan về hội nhập kinh tế quốc tế. Khai thác mạnh hơn những cơ hội đem lại khi đã đàm phán được với các nước; nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản để phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Mỗi địa phương, mỗi đơn vị cần chủ động đưa ra những kế hoạch, giải pháp phù hợp để tham gia vào tiến trình chung của đất nước, của ngành NN và PTNT trong thời kỳ hội nhập. Tiếp tục tìm hiểu, nắm vững những yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế để cụ thể hóa vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch ở tỉnh, huyện, tới từng xã, các doanh nghiệp, thực hiện tốt đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả./.
Ngọc Ánh