Hôm qua (7-4), tại tỉnh Ninh Bình, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo đó, trong năm nay, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình trước năm 2016.
Hiện nay, một số giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, tức là chưa được tính đúng, tính đủ. Do vậy, Nghị định số 16 được Chính phủ ban hành ngày 14-2 vừa qua đã quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế với 3 giai đoạn. Giai đoạn gần nhất là đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định).
Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.
Ảnh minh hoạ/Internet. |
Như vậy, trong năm nay, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Bộ Y tế sẽ có quy định, các bệnh viện phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu để đảm bảo phục vụ người bệnh được tốt hơn. Hiện nay chúng ta đang quy định là Nhà nước cấp tiền lương, nhưng trên thực tế ngân sách Nhà nước đang khó khăn nên nhiều bệnh viện chưa được cấp đủ tiền lương, làm cho số lượng nhân lực của bệnh bị hạn chế nên chưa thể đảm bảo chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Nếu giá dịch vụ y tế được tính đủ chi phí, sẽ có kinh phí duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kéo dài thời gian sử dụng và triển khai các dịch vụ theo đúng chất lượng, quy chuẩn của Bộ Y tế quy định”.
Khi giá dịch vụ y tế được tính đủ, bệnh viện sẽ không được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động nữa. Nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện lúc đó sẽ do Quỹ BHYT thanh toán (đối với người có thẻ BHYT) hoặc do người bệnh chi trả (nếu không có thẻ BHYT).
Bệnh viện muốn tồn tại phải tự nâng cao chất lượng dịch vụ, nếu không bệnh nhân sẽ không đến nữa hoặc BHXH sẽ không cho khám, chữa bệnh BHYT nữa.
Khi đó, Nhà nước sẽ dành phần ngân sách đang cấp cho các bệnh viện để hỗ trợ cho các đối tượng hoàn cảnh khó khăn mua thẻ BHYT và đầu tư cho lĩnh vực y tế dự phòng. Từ đây khuyến khích các bệnh viện vay vốn để đầu tư phát triển thêm cơ sở vật chất, không trông chờ, ỉ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, khi giá dịch vụ y tế được tính đủ sẽ không còn tình trạng 1 bệnh viện 2 loại giá, đó là giá khám, chữa bệnh BHYT và giá khám, chữa bệnh dịch vụ như hiện nay.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tới đây sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng cần được đảm bảo an sinh xã hội. Ông Liên nói: “Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám, chữa bệnh đã được bảo hiểm chi trả 100% chi phí nên sẽ không bị ảnh hưởng. Đối với người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% chi phí mua thẻ BHYT và hiện nay có đến 40% số hộ cận nghèo có thẻ BHYT. Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác; Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ cho hộ cận nghèo để phấn đấu 100% hộ cận nghèo được tham gia BHYT. Đối tượng này khi đi khám chữa bệnh được Quỹ BHYT chi trả 95% chi phí”.
Bộ Y tế cũng khẳng định, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được gắn với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Sau 2 năm bắt đầu điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60% đến 80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên.
Các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn, các buồng bệnh đã có sự thay đổi, đáp ứng nhu cầu của người bệnh./.
Theo vov.vn