Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2015 NHNN sẽ tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém; kiên quyết xử lý pháp nhân theo luật định những TCTD yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển, kể cả giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc. Bên cạnh đó, vai trò chủ đạo của các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ được nâng cao hơn thông qua việc các ngân hàng này tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD khác.
Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng cho biết, với các văn bản pháp quy đã ban hành năm 2014, có hiệu lực áp dụng đầu năm 2015, NHNN sẽ xử lý tiếp một bước cơ bản tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao.
Sau gần 3 năm triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đến nay việc tái cơ cấu đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đề ra và đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, NHNN đã phê duyệt đề án cơ cấu lại của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, phương án tái cơ cấu của 20 ngân hàng thương mại cổ phần, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác đang hoàn thiện phương án tái cơ cấu để trình NHNN phê duyệt. Đến nay, toàn hệ thống đã giảm 7 TCTD, 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh, 4 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 quỹ tín dụng nhân dân thông qua sáp nhập, hợp nhất, thu hồi giấy phép, chuyển đổi hình thức hoạt động.
Với tác động của quá trình tái cơ cấu, các TCTD đã quan tâm hơn đến đổi mới, nâng cao hiệu quả, đồng thời từng bước cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; nỗ lực cải thiện năng lực tài chính và tăng vốn điều lệ để mở rộng hoạt động và nâng cao khả năng đối phó với rủi ro. Đến 30-11-2014, vốn điều lệ toàn hệ thống đạt 435,29 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2013, tăng 23% so với cuối năm 2011./.
Theo SGGP