Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội giám sát tại tỉnh ta

08:12, 23/12/2014

Ngày 22-12-2014, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XIII về giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về đa dạng sinh học (ĐDSH) tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Viết Hưng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành: TN và MT, NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy. Tham gia đoàn giám sát có lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT), Cục Bảo tồn ĐDSH (Bộ TN và MT), Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh.

Luật ĐDSH được ban hành năm 2008. Trong quá trình thực thi Luật đã phát sinh nhiều điểm bất cập, không khả thi, vì vậy, Quốc hội khóa XIII tổ chức giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về ĐDSH làm cơ sở nghiên cứu, trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi bảo đảm tính khả thi của Luật. Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã báo cáo với đoàn giám sát các nội dung: Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH, điều tra, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH tại các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH. Việc tổ chức quản lý ĐDSH trên địa bàn tỉnh; kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo vệ các hệ sinh thái, đặc biệt là các hệ sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế. Cơ chế, chính sách đối với khu bảo tồn (nhân lực, đầu tư ngân sách Nhà nước, sinh kế người dân khu vực bảo tồn…). Theo báo cáo của UBND tỉnh, Nam Định có 2 khu vực ĐDSH được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng vào ngày 2-12-2004, gồm VQG Xuân Thủy (Giao Thủy) và rừng phòng hộ ven biển huyện Nghĩa Hưng. Hiện tỉnh chưa ban hành Quy hoạch bảo tồn ĐDSH nhưng thời gian qua đã bám sát vào quy hoạch tổng thể về ĐDSH của toàn quốc để tập trung triển khai chi tiết tại địa phương. Năm 2014, Sở TN và MT đã xây dựng đề cương chi tiết Quy hoạch bảo tồn ĐDSH, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí để lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn ĐDSH, ngay khi Luật ĐDSH có hiệu lực, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai, tuyên truyền Luật ĐDSH đến cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh. Sở TN và MT đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT và ĐDSH tới các hội viên và toàn thể nhân dân. Tuy hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp, quý hiếm, các hệ sinh thái không diễn ra nhiều nhưng hằng năm lực lượng chức năng của tỉnh đã tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi vi phạm theo quy định của pháp luật. Công tác bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng có tầm quốc gia, quốc tế đã chủ động kiểm soát và hạn chế tình trạng khai phá rừng, môi trường hệ sinh thái VQG Xuân Thủy; tại VQG Xuân Thủy đang thực hiện đề án bảo tồn và phát triển bền vững giống ngao bản địa và đề án thí điểm đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững. Công tác trồng rừng được quan tâm đẩy mạnh. Về cơ chế, chính sách, đã tập trung cân đối, bố trí và huy động các nguồn hỗ trợ để nâng cao chất lượng ĐDSH tại khu bảo tồn VQG Xuân Thủy; trong đó đã chú trọng bố trí hợp lý nhân lực; nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và hệ thống đường tuần tra, đường công vụ cho VQG Xuân Thủy; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, trụ sở UBND các xã vùng đệm VQG Xuân Thủy; huy động kinh phí tài trợ đầu tư một số mô hình cải thiện sinh kế của người dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH, hiện tại các hệ sinh thái tại VQG Xuân Thủy đã phát triển tốt, nhiều giống loài quý hiếm như ngao, cáy đỏ phát triển mạnh. Tuy nhiên công tác bảo vệ ĐDSH trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập; đặc biệt sự chồng chéo trong quy định quản lý Nhà nước về rừng với mô hình quản lý ĐDSH tại VQG. Công tác thanh tra, kiểm tra mới chỉ đạt mức độ xử lý theo chuyên ngành, chưa đạt mức tổng thể; chưa xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH; công tác quản lý nguồn gene về loài và biến động loài còn hạn chế. Một số loài phát triển nóng như nuôi ngao với diện tích, mật độ lớn, cáy đen vào sâu trong các sông nội địa khiến dân đổ xô đi khai thác ảnh hưởng đến chất lượng đê, kè. Tình trạng khai thác thủy, hải sản còn bất cập, vẫn còn hiện tượng sử dụng xung điện. Trồng trọt chủ yếu ở mô hình nông hộ, sử dụng thuốc BVTV không đúng quy định gây lãng phí và ảnh hưởng đến công tác bảo vệ ĐDSH, làm hủy diệt nhiều loài sinh học có lợi.

Để nâng cao chất lượng thực thi chính sách pháp luật về ĐDSH trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất Đoàn giám sát có ý kiến với các bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện có cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh trong phát triển nguồn nhân lực, tài chính thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH tại địa phương; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH như: tham gia các lớp tập huấn và các khóa đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong nước và quốc tế. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, thực thi nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên và tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH./.

Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com