10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam năm 2014 (do Báo Nam Định bình chọn)

09:12, 31/12/2014

1. Kiên quyết đấu tranh phản đối hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 2-5, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đe dọa hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông.

Tàu hải cảnh 46101 của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu của Việt Nam.
Tàu hải cảnh 46101 của Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu của Việt Nam.

Trước hành động sai trái của Trung Quốc, với sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng nhất trí, bằng các biện pháp hòa bình, đấu tranh mạnh mẽ chống lại hành động sai trái của Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 15-7, Trung Quốc đã rút toàn bộ giàn khoan và các tàu bảo vệ khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

2. Khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Ngoài việc tiếp tục đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế như vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Huỳnh Thị Huyền Như; thì việc xử lý những sai phạm của các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước dù đã nghỉ hưu cũng được Đảng, Nhà nước ta tiến hành nghiêm. Điều này khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, củng cố niềm tin trong nhân dân.

3. Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (22-12-1944 - 22-12-2014), đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ 5 và đang nỗ lực phát huy truyền thống anh hùng, đẩy mạnh xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tích cực làm công tác dân vận, tham gia giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, lũ lụt; triển khai thực hiện tốt phong trào “Quân đội chung sức xây dựng NTM”. Trong năm đã tiếp nhận, làm lễ thượng cờ Tổ quốc cho hai tàu ngầm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao đáng kể khả năng tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 4. Nhiều quyết sách thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, nhiều quyết sách đã được ban hành như: Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015; Quy định về đánh giá học sinh tiểu học; đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông từ năm học 2018-2019…

5. Giảm thời gian nộp thuế từ 537 giờ xuống còn 247 giờ/năm

Đó là kết quả đổi mới thủ tục nộp thuế đã được Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thực hiện quyết liệt trong năm 2014 đã tạo được mốc son về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế - đã tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân nộp thuế cho ngân sách Nhà nước. Khi Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 việc nộp thuế sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm. Trong năm 2015, sẽ quyết liệt phấn đấu rút ngắn xuống còn 121,5 giờ.

 6. Giá xăng dầu giảm kỷ lục

Từ đầu năm đến ngày 22-12, giá xăng dầu trong nước đã 13 lần giảm để về ngưỡng thấp kỷ lục xuống còn 17.880 đồng/lít (xăng Ron 92). Động thái này có nguyên nhân do giá dầu thế giới giảm sâu do động thái địa chính trị tại các quốc gia có nguồn dầu mỏ. Nhu cầu dầu mỏ từ các nước phát triển tăng chậm lại, trong khi các nước sản xuất dầu lửa OPEC không cắt giảm sản lượng và đặc biệt là Mỹ từ nước nhập khẩu xăng dầu trở thành nước xuất khẩu lớn nguồn năng lượng này do áp dụng công nghệ đá phiến.

Dù là nước xuất khẩu dầu, song vẫn nhập khẩu lượng lớn sản phẩm xăng dầu cho nhu cầu trong nước, Việt Nam chịu tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực từ giá dầu. Giá dầu thành phẩm giảm, nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục đứng giá.

7. Lãi suất ngân hàng đã giảm về mức cách đây 10 năm

Lãi suất huy động và cho vay đều giảm từ 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013. Theo đó, lãi suất huy động còn 4-5,5%/năm, lãi suất cho vay từ 7-10%/năm - là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. So với thời kỳ lãi suất đỉnh cao (14%/năm) vào năm 2011 thì lãi suất hiện nay đã giảm tới 10%.
Chi phí vay vốn đã dễ chịu hơn so với nhiều năm trước, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ trần lãi suất tiền gửi và một lần giảm các lãi suất chủ chốt.

 8. Ngành Giao thông vận tải “nóng” nhiều vấn đề

Siết chặt quản lý tải trọng xe tải để bảo vệ cơ sở hạ tầng và đảm bảo ATGT là cuộc chiến quyết liệt trong suốt năm 2014 của ngành GTVT, nhưng vẫn còn hiện tượng xe quá tải hoành hành ở một số tuyến quốc lộ.

Tình trạng chậm chuyến, huỷ chuyến của ngành Hàng không Việt Nam vốn từng gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua, đến nay tình trạng chậm, hủy chuyến chỉ còn 31,9% (tương đương với hàng không Mỹ) là một bước tiến quyết liệt. Nhưng việc để sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất lọt vào top 10 sân bay tệ nhất châu Á cùng với việc hàng không Việt Nam xảy ra trên 400 sự cố, trong đó có 91 sự cố ở mức độ uy hiếp nghiêm trọng hàng không đã đưa ngành GTVT trở thành điểm nóng tới mức Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu “phải đánh giá lại chất lượng nguồn nhân lực hàng không”.

9. Việt Nam đạt nhiều dấu mốc hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu

Năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc và FTA với Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan, đồng thời đạt được thỏa thuận về định hướng kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia đàm phán ba FTA khu vực, gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); và Hiệp định Thương mại tự do với Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA). Đây là những tiền đề quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu khi nắm bắt được cơ hội.

10. Lạm phát thấp nhất 13 năm, GDP tăng vượt dự kiến

Lạm phát của Việt Nam năm 2014 chỉ ở mức 4,09%, thấp nhất trong 10 năm gần đây và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 7%.

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân lạm phát thấp là do sự sụt giảm trong tổng cầu của nền kinh tế và đây không thể là một kết quả tích cực được mong đợi. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 5,93%, cao thứ 2 thế giới, vượt mức 5,8% do Quốc hội đề ra từ đầu năm./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com