Ngày 11-4-2013, UBND tỉnh đã có các Công văn số 53/UBND-VP7 và 91/UBND-VP6 gửi các cơ quan, sở, ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành phố về việc triển khai công tác phòng chống dịch Cúm A(H7N9) trên người và tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Ảnh minh họa/Internet. |
Về công tác phòng chống dịch Cúm A(H7N9) trên người, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch. Tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm phải thực hiện cách ly, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm việc báo cáo dịch theo quy định. Phối hợp tốt với các ngành liên quan và giữa các đơn vị y tế trên địa bàn (Phòng Y tế - Bệnh viện - Trung tâm Y tế), tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng thực hiện các biện pháp chống dịch. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dịch truyền, hóa chất... để đáp ứng cho công tác tiếp nhận, cấp cứu, điều trị khi có bệnh nhân. Các Sở NN và PTNT, Công thương tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên đàn gia cầm trong đó có nguyên nhân từ Cúm A(H7N9), kịp thời thông báo cho ngành Y tế khi có dịch và tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan. Tăng cường giám sát, kiểm tra sản phẩm gia cầm lưu thông trên thị trường nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không rõ nguồn gốc. Sở TT và TT, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh phối hợp với Sở Y tế thường xuyên tuyên truyền đưa tin kịp thời, chính xác để mọi người dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch, hướng dẫn người dân sử dụng gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo ATTP, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh. Cung cấp kịp thời thông tin tới cộng đồng để người dân không hoang mang, khi có triệu chứng nghi ngờ đến ngay cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Sở Tài chính đảm bảo kịp thời kinh phí để thực hiện tốt các hoạt động giám sát, phòng chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh. UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Cúm A(H7N9) ở người nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn không để dịch lây lan. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các cơ quan chức năng có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc và thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh; Sở Y tế theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, chủ động xử lý và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.
Về công tác kiểm soát, ngăn chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Sở NN và PTNT chỉ đạo lực lượng Thú y phối hợp với các ngành chức năng: Công an, Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp kinh doanh, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác kiểm dịch và phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Chỉ đạo ngành chăn nuôi đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, sản xuất giống gia cầm đảm bảo chất lượng, với giá cả hợp lý để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi của doanh nghiệp và người dân. Công an tỉnh chủ động điều tra nhằm phát hiện, bắt giữ các đối tượng tổ chức hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không đảm bảo ATTP, gây hại cho môi trường. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các sở, ngành liên quan trong kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên tuyến biên giới biển nhằm phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm. UBND các huyện, thành phố tổ chức tốt công tác phối hợp các lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; chủ động phòng chống dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm trên địa bàn; chỉ đạo các Ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ đã qua kiểm dịch, đảm bảo VSATTP. Sở Y tế phối hợp với Sở NN và PTNT, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh kịp thời cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân cách lựa chọn gia cầm, sử dụng thực phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc xuất xứ đảm bảo VSATTP./.
Vân Anh