Sáng ngày 23-3-2012, Đoàn giám sát của Ủy ban QP-AN của Quốc hội khóa XIII do đồng chí Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc tại UBND huyện Vụ Bản về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục QP-AN” giai đoạn 2001-2011.
Đoàn giám sát của Ủy ban QP-AN của Quốc hội làm việc tại UBND tỉnh. |
Trong giai đoạn từ năm 2001-2011, huyện Vụ Bản đã tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật về giáo dục QP-AN; ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản liên quan để thực hiện chính sách pháp luật về QP-AN với nhiều hình thức đa dạng phong phú. Trong 11 năm, huyện đã tổ chức 4 lớp bồi dưỡng kiến thức giáo dục QP-AN thuộc đối tượng 3 cho 257 người, cử đi bồi dưỡng tại tỉnh 84 người; tổ chức 17 lớp bồi dưỡng kiến thức giáo dục QP-AN cho 1.545 người thuộc đối tượng 4; 7 lớp cho đối tượng 5 với 767/4.674 người; 1 lớp cho đối tượng chức sắc, chức việc tôn giáo với 70/75 người; các xã, thị trấn mở 21 lớp cho đối tượng 5 tổng số 3.802 người. Kiểm tra đánh giá kết quả đạt 100% đạt yêu cầu, trong đó có 70% khá giỏi… Công tác giáo dục QP-AN đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Chiều cùng ngày, Đoàn đã làm việc tại UBND tỉnh. Làm việc với đoàn có các đồng chí Uỷ viên Ban TVTU: Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Trần Quang Tiến, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN của tỉnh; Đại tá Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng giáo dục QP-AN của tỉnh; các đồng chí thành viên Hội đồng giáo dục QP-AN của tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban TVTU, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh đã quán triệt Nghị quyết TW 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chỉ thị số 62, Chỉ thị số 12 của Bộ Chính trị, Nghị định số 15, Nghị định số 116 của Chính phủ về giáo dục QP-AN cho các đối tượng, làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện các chỉ thị, nghị định, thông tư, hướng dẫn của Trung ương, Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 22-11-2007 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới; Quyết định thành lập Hội đồng giáo dục QP-AN cấp tỉnh, 10 Hội đồng giáo dục QP-AN cấp huyện và 229 Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp xã kiêm nhiệm công tác giáo dục QP-AN. Hằng năm, Ban TVTU ra nghị quyết, UBND tỉnh ban hành chỉ thị thực hiện nhiệm vụ QP-QSĐP, trong đó chỉ đạo công tác giáo dục QP-AN. Tổ chức tập huấn, quán triệt kế hoạch, chương trình, giáo trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 158 đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng giáo dục QP-AN các huyện, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành và hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng. Các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho 3.689 lượt cán bộ các cấp. Đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên cơ sở được bồi dưỡng kiến thức pháp luật của Nhà nước về QP-AN. Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định xây dựng chuyên trang, chuyên mục quốc phòng toàn dân. Cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các đoàn thể giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, hội viên nhằm nâng cao ý thức QP-AN góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ năm 2001 đến 2011, ngoài việc bảo đảm 100% chỉ tiêu đi bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt thuộc đối tượng 1, 2 do Hội đồng giáo dục QP-AN Trung ương và Quân khu III tổ chức, Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp còn bồi dưỡng cho các đối tượng 3, 4, 5; 11 lớp cho giám đốc các doanh nghiệp dân doanh, hội viên của các đoàn thể chính trị; bồi dưỡng cho các đối tượng chức sắc, chức việc tôn giáo; phối hợp giáo dục cho trên 644 nghìn lượt học sinh, sinh viên theo đúng chương trình quy định của Bộ GD và ĐT. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cũng được tỉnh quan tâm đúng mức.
Tại buổi giám sát, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác bồi dưỡng kiến thức giáo dục QP-AN cho các đối tượng; thời gian tổ chức các lớp bồi dưỡng; đảm bảo ngân sách cho công tác giáo dục QP-AN; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong công tác xã hội hóa giáo dục QP-AN; việc xây dựng đội ngũ báo cáo viên; nội dung, chương trình giáo dục QP-AN.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN của Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện công tác giáo dục QP-AN của tỉnh. Công tác giáo dục QP-AN ở tỉnh ta đã thực sự đi vào nề nếp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành và toàn dân về nhiệm vụ QP-AN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng chí nhấn mạnh, kết quả giám sát lần này sẽ là cơ sở để Uỷ ban xây dựng dự thảo Luật Giáo dục QP-AN trình Quốc hội xem xét. Đề nghị Hội đồng giáo dục QP-AN tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phạm vi, đối tượng giáo dục QP-AN; những vấn đề cần cải tiến trong nội dung, phương pháp trong chương trình giáo dục QP-AN; vấn đề tổ chức cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục QP-AN; ngân sách cho công tác giáo dục QP-AN tại địa phương...
Tin, ảnh: Thanh Tuấn