Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 của Quốc hội, ngày 13 và 14-2-2012, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự án: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII. Đồng chí Nguyễn Anh Sơn, TUV, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các vị đại biểu Quốc hội khoá XIII trong Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và một số huyện.
Về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh cho rằng việc nâng các quy định về bảo hiểm tiền gửi hiện hành thành luật là rất cần thiết và có một số đề nghị: Ở khoản 1, điều 13 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức tiền gửi, cần bổ sung thêm cụm từ: “Điều lệ tổ chức và hoạt động” trước cụm từ chiến lược phát triển và ở điều 17 cần quy định cụ thể thủ tục cấp lại giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các trường hợp được cấp lại. Đại diện Sở Tư pháp đề nghị nghiên cứu xây dựng địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi phù hợp với mục đích của hoạt động bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và duy trì ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Đại diện Ngân hàng NN và PTNT cho rằng, dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng gồm 7 chương, 39 điều là hợp lý và tương đối đầy đủ. Tuy nhiên cần có sự thay đổi về nội dung cho nhất quán và khoa học như: Thay đổi chương 3 nói về hoạt động bảo hiểm tiền gửi xuống thành chương 4 và chương 4 nói về tổ chức bảo hiểm tiền gửi thay lên là chương 3 sẽ hợp lý hơn.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền, đa số các ý kiến của các ngành, đơn vị đều nhất trí cao với sự cần thiết ban hành luật này và với nội dung, bố cục của luật gồm 5 chương, 50 điều và tập trung trao đổi làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền. Trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng chống rửa tiền và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền. Đại diện Công an tỉnh đề nghị: Tại một số điều khoản của dự thảo luật nên thống nhất cách gọi là: “trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân”; tại điểm a, khoản 1, điều 11 đề nghị bổ sung cụm từ: “Đối với khách hàng là cá nhân”. Tại điểm a, khoản 1, điều 16, đề nghị bỏ từ “không” trước cụm từ: “Có cơ sở pháp lý hoặc kinh tế rõ ràng”. Đại diện Sở Tư pháp có ý kiến, để bảo đảm tính logic đề nghị sắp xếp lại các nội dung trong mục 1 của chương 3 cho hợp lý hơn và cần cân nhắc và tính đến các giải pháp đồng bộ trong hoạt động giao dịch tài chính để bảo đảm cho luật khi ban hành có tính khả thi... Góp ý vào dự thảo luật, đại diện Ngân hàng Thương mại CP Công thương chi nhánh Thành phố Nam Định cho rằng: Về cơ quan phòng chống rửa tiền là đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng cần được bổ sung thêm quy định về các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này trong luật. Đại diện Ngân hàng NN và PTNT tỉnh có ý kiến: Dự thảo luật hơi dài, chưa cụ thể và điều 22 cần được chỉnh sửa cho ngắn gọn và chính xác hơn... Đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại diện Sở NN và PTNT có ý kiến: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhưng không ghi rõ chương, mục, điều khoản nào sửa đổi hoặc bổ sung mới vì vậy khó khăn cho việc góp ý; đề nghị cơ quan dự thảo luật xem xét kỹ các nội dung để không trái với các luật khác đã ban hành. Ngoài ra, ở khoản 3 điều 4 cần thay cụm từ: “vùng có điểm kinh tế - xã hội” bằng “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội”; nên bỏ điểm a và b của khoản 3, điều 6 vì chưa phù hợp với thực tế và không cần thiết. Ý kiến đóng góp của đại diện Sở TN và MT, UBND huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ nhất trí với tên gọi của luật và với bố cục nội dung của luật gồm có 9 chương, 83 điều. Ý kiến của đại diện Sở NN và PTNT, đề nghị giữ nguyên tên của các chương 4, 5, 7 trong Luật Tài nguyên nước đã ban hành là: Phòng, chống khắc phục hậu quả lũ, bão và tác hại do nước gây ra; Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Quản lý Nhà nước về tài nguyên nước./.
Phạm Quốc Tuấn