Ngày 10-8-2010, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các Bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại tỉnh ta, đồng chí Bùi Đức Long, Uỷ viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham dự hội nghị.
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ vào lớp 1. Cụ thể, củng cố, mở rộng mạng lưới trường lớp, bảo đảm đến năm 2015 có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được đi học 2 buổi/ngày. Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, phấn đấu đến năm 2015 có 100% trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non được học Chương trình giáo dục mầm non mới, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào học lớp 1. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, bảo đảm 100% giáo viên dạy mầm non 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo vào năm 2010, phấn đấu đến năm 2015 có 50% giáo viên đạt trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mầm non 5 tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tại các huyện nghèo, đưa số tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ 55% năm 2010, lên 85% năm 2012 và 100% năm 2015. Lộ trình thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 2010-2012 và giai đoạn 2013-2015.
Tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã báo cáo với Chính phủ tình hình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ở tỉnh ta. Đến nay, số trẻ 5 tuổi trong độ tuổi ra lớp ở tỉnh ta đạt phổ cập 99,9%, 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, 100% các lớp mầm non 5 tuổi thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn dưới 8%. Đội ngũ cán bộ, giáo viên khối lớp 5 tuổi đạt chuẩn đào tạo là 99,12%, trong đó có tỷ lệ trên chuẩn cao; hiện tại đã có 34% số trường mầm non trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia. UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non đến năm 2015, trong đó phấn đấu đến năm 2015 toàn bộ các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn giáo dục mầm non, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013; chuyển tất cả 237 trường mầm non bán công sang công lập và đưa số giáo viên là hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên nòng cốt vào biên chế, nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non, phấn đấu đến năm 2015 có 100% giáo viên dạy khối lớp 5 tuổi đạt chuẩn đào tạo, trong đó có 60% trên chuẩn. Hiện tại, tỉnh mới có 43% số trường mầm non được kiên cố hóa. Tỉnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học để xây dựng các phòng học kiên cố cho giáo dục mầm non; hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi để triển khai tốt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, để thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục giữ vững và phát huy chất lượng giáo dục mầm non.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ, ngành cùng phối hợp triển khai thực hiện Đề án, trong đó Bộ GD-ĐT là cơ quan thường trực tổ chức thực hiện Đề án, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Đề án này khi triển khai thực hiện; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục giai đoạn 2011-2015, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể và quy trình công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đồng thời rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phổ cập. Ngành Bảo hiểm Xã hội cần xem xét và báo cáo Chính phủ về phương án bảo hiểm cho giáo viên mầm non nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ… Các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Hồng Minh