Chấn chỉnh, thực hiện nghiêm quy định thu, chi đầu năm học

19:39, 09/10/2023

Vào mỗi dịp đầu năm học mới, vấn đề lạm thu trong trường học lại nóng lên, là chủ đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Và mặc dù từ Trung ương đến tỉnh đã có quy định rất rõ về các khoản thu trong nhà trường nhưng không ít đơn vị vẫn tìm cách “lách”, thực hiện không đúng quy định; đáng nói có những khoản thu vô lý gây bức xúc cho phụ huynh.

Năm học 2023-2024 vừa mới bắt đầu, nhiều bậc phụ huynh đang “nín thở” chờ nhà trường công bố các khoản thu đầu năm. Bởi đối với nhiều gia đình, các khoản thu đầu năm của nhà trường là gánh nặng nhọc nhằn. Không ít phụ huynh đi họp đầu năm về tỏ ý bức xúc, không hài lòng về một số khoản thu ngoài danh mục quy định.

Một sản phẩm khoa học kỹ thuật được trưng bày tại Ngày hội STEM và Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022-2023.
Một sản phẩm khoa học kỹ thuật được trưng bày tại Ngày hội STEM và Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022-2023.

Chị H.V, một phụ huynh có con đang học tiểu học ở một trường huyện phản ánh: “Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học, thay vì trao đổi về phương pháp, cách thức giáo dục, các vấn đề liên quan đến con trẻ thì chuyện thu tiền các khoản đóng góp chiếm thời lượng không nhỏ”. Một phụ huynh ở thành phố Nam Định phản ánh việc gia đình không đăng ký mua đồng phục nhưng đầu năm học nào, các em vẫn được trường đăng ký mua cho 2 bộ, chưa kể 3 bộ đã mua từ năm đầu cấp được con giữ gìn vẫn còn sử dụng được dẫn tới đồng phục quá nhiều, mặc không hết, gây lãng phí; trong khi đầu năm học, với 3 con đang học phổ thông, gia đình còn rất nhiều khoản chi phải lo như: Học phí, bảo hiểm y tế, quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, tiền sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập... Một số phụ huynh khác thì phản ánh về việc ngoài các khoản thu, chi theo quy định như: Học phí, bảo hiểm y tế... còn có rất nhiều khoản thu khác mang danh tự nguyện nhưng hầu hết phụ huynh đều không thể không "tự nguyện" như: Bảo hiểm thân thể, học bổ trợ, tiền xã hội hóa mua tivi, quỹ lớp, quỹ phụ huynh lớp, quỹ phụ huynh trường... Riêng quỹ lớp có trường thu đến cả triệu đồng gây bức xúc cho phụ huynh. Thậm chí, trước ngày khai giảng, các nhà trường đều báo cáo về việc được địa phương rà soát đầu tư bổ sung cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học khi bước vào năm học mới song khi phụ huynh đi họp đầu năm học lại vẫn được nghe ban đại diện cha mẹ học sinh báo cáo về việc phải đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc học tập của các con?! Các khoản thu dưới danh nghĩa “xã hội hóa”, phụ huynh “tự nguyện” được thực hiện qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chỉ tiếp nhận trên danh nghĩa tài trợ(?).

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã có quy định rõ về các khoản nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu của học sinh như: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; bảo vệ, cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường (Khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT). Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được phép thu hai khoản: Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Để ngăn chặn lạm thu đầu năm học, Bộ GD và ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn về vấn đề này; trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và của bộ, ngay từ đầu năm học, trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, UBND tỉnh và Sở GD và ĐT cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chấn chỉnh, nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về thu, chi. Cụ thể, tại Công văn 524/UBND-VP7, ngày 4-9-2023, của UBND tỉnh gửi Sở GD và ĐT, UBND các huyện, thành phố về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 nêu rõ: “Tuyên truyền, phổ biến, công khai quy định của các cấp có thẩm quyền về mức thu học phí, bảo hiểm y tế, các dịch vụ trong trường học, việc huy động các nguồn lực hỗ trợ cơ sở giáo dục... Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thu, chi, dạy thêm, học thêm trái quy định”. Tại Công văn số 1431/SGDĐT-VP ngày 21-8-2023 gửi Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở; các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã nhấn mạnh việc “chấn chỉnh thu, chi và xã hội hóa đầu năm học”, yêu cầu các đơn vị "thực hiện công tác quản lý thu, chi tài chính đúng quy định, nhất là các khoản thu, chi đầu năm học, nghiêm cấm việc đặt ra các khoản thu trái quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu”. Vận động các nhà cung cấp dịch vụ cắt giảm chi phí, giảm giá dịch vụ; tích cực huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cựu học sinh… để tăng cường cơ sở vật chất, triển khai các hoạt động của nhà trường; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện công khai, trách nhiệm giải trình, cung cấp thông tin thuộc phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật, nhất là công khai đối với cơ sở GD và ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền”.

Tuy nhiên, trên thực tế dư luận vẫn phản ánh ở không ít nhà trường có tình trạng thu, chi không đúng quy định; lạm dụng mục đích đúng đắn của chủ trương huy động xã hội hóa giáo dục, biến tướng thành lạm thu. Việc này cần phải được xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe, không để lạm thu trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận vào đầu mỗi năm học, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và uy tín của các nhà trường. Việc vận động và tiếp nhận tài trợ cho các cơ sở giáo dục phải thực hiện theo các Điều 3, Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT.

Điều 3 Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT quy định: Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

Về một số biện pháp chống lạm thu đầu năm học, Bộ GD và ĐT cũng đã ban hành đầy đủ thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu trong trường học, vấn đề đặt ra là các bậc phụ huynh, nhất là những người tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường, lớp cần tìm hiểu nắm rõ các quy định của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh, Sở GD và ĐT về những khoản tiền mà nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh được và không được phép thu/vận động. Nếu nhận thấy các khoản thu không đúng quy định, phụ huynh cần kiên quyết từ chối nộp. Khi phát hiện giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường làm sai, phụ huynh cần thông báo cho hiệu trưởng hoặc phản ánh đến đường dây nóng của Phòng GD và ĐT, Sở GD và ĐT. Ngành GD và ĐT, các địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn lạm thu dưới mọi hình thức; đặc biệt cần nghiêm túc, kiên quyết xử lý các trường hợp lạm thu, có văn bản pháp lý để quy định bắt buộc về việc này./.

Bài và ảnh:  Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com