Nỗi lo an toàn thực phẩm đường phố

07:34, 14/07/2023

Thức ăn đường phố là sở thích chọn lựa của nhiều người vì giá thành vừa rẻ, vừa tiện lợi. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện này, thức ăn đường phố ẩn chứa nhiều nguy hại về sức khỏe của người sử dụng nói riêng và cộng đồng nói chung từ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Những ngày qua, mặc cho thời tiết nắng nóng kéo dài, nhưng những quán ăn nhanh ở các đường phố Thành Nam từ những quán ăn bình dân trên vỉa hè đến những xe hàng ăn di động với đủ món như bánh cuốn, bún, phở, bánh bao, chả nướng, chân gà nướng, chả cá chiên, bánh rán, chè, nộm... vẫn luôn tấp nập người bán, kẻ mua. Các loại thức ăn đường phố được chế biến đa dạng, lại dễ mua, tiện lợi, người tiêu dùng có thể dùng trực tiếp hoặc mua về là dùng ngay, không cần phải chế biến lại. Việc kinh doanh thức ăn đường phố cũng khá đơn giản, chỉ cần một chiếc xe đẩy, vài bộ bàn ghế nhựa đã có thể bày ra một quán ăn sẵn trên vỉa hè, đường phố. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là hầu như hàng quán nào cũng không thực hiện đúng quy định về VSATTP. Tại một quầy bán bánh cuốn trên đường Hàng Sắt, mọi công đoạn từ việc tráng bánh, cuốn bánh, lấy bánh, rau cho khách, dọn chén, đĩa… đều được chị chủ quán thực hiện bằng tay trần. Thậm chí, cũng bàn tay dính đầy dầu mỡ đang cuốn bánh, chị chủ quán sẵn sàng cầm tiền khách đưa hoặc trả lại và tiếp tục tráng, cuốn bánh. Tại quán bún, cháo, phở trên đường Tô Hiệu, toàn bộ thức ăn như: thịt gà, thịt bò, lòng, trứng non, tim cật và nồi nước dùng… đều để “phơi” giữa gió, bụi. Do khách đông, để kịp phục vụ, chiếc khăn dùng để lau bát, đũa sạch được chủ quán tiện tay lau luôn mặt bàn. Đặc biệt, cả chủ quán lẫn người chạy bàn vẫn điềm nhiên dùng tay trần bốc bún, rau cho thực khách. Không những thế, hàng chục chiếc tô, đĩa cùng với đũa, thìa khi khách hàng dùng xong chỉ được xử lý qua hai thùng nước “chuyên dụng”: một thùng để rửa và một thùng để tráng… Ngay phía dưới đường, mùi hôi bốc lên từ nắp cống thoát nước khiến không ít người e ngại. Trên vỉa hè một phố cổ có điểm bán bánh rán, bánh chuối khá nổi tiếng về độ ngon và rẻ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt đường đầy bụi, những người bán hàng vô tư chiên rán thức ăn, bằng những chảo dầu không biết đã sử dụng từ bao giờ. Nguyên liệu được bốc, nặn bằng tay trần, hoặc nếu có găng tay, thì hầu như chỉ dùng 1 đôi xuyên suốt cả buổi. Mỗi ngày, quán này rán cả vài trăm chiếc bánh, tấp nập người đến mua mang đi hoặc tranh thủ đứng ăn ngay cạnh mấy chảo dầu mỡ sôi sùng sục.

Các hàng ăn đường phố thường tồn tại các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các hàng ăn đường phố thường tồn tại các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên địa bàn thành phố hiện có trên 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó có trên 1.100 cơ sở dịch vụ ăn uống, dịch vụ thức ăn đường phố. Hàng năm, thành phố Nam Định đã phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức các hội nghị truyền thông về an toàn thực phẩm tại 25 phường, xã cho hàng trăm lượt người; tổ chức các hội thi, nói chuyện chuyên đề về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thái độ thực hành về an toàn thực phẩm, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí an toàn thực phẩm. Vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định về an toàn thực phẩm và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Nguyên liệu chế biến gần như nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nguy cơ cao dẫn đến mắc các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm. Khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình chế biến thực phẩm một chiều, bày bán thực phẩm trên vỉa hè, ngay cạnh rãnh thoát nước, diện tích kinh doanh chật hẹp, nơi bán hàng chung với nơi sinh sống của gia đình. Dụng cụ chứa thức ăn bán ở đường phố thường không bảo đảm vệ sinh, dễ làm hỏng thức ăn. Các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không có đầy đủ tủ bảo quản, thức ăn không được che đậy. Phần lớn thức ăn đường phố được bày bán ngay trên mặt đất, gần với cống rãnh, hố ga... cũng dễ khiến đồ ăn, thức uống bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, giữa thời tiết nắng nóng, thực phẩm hoặc nguyên liệu chế biến để lâu trong nhiệt độ cao với điều kiện không đảm bảo sẽ dẫn đến việc vi khuẩn nhân lên đạt đến số lượng đủ gây bệnh cho người ăn. Thêm vào đó, hiện nay, hầu hết các cửa hàng bán thức ăn nhanh đều đựng thức ăn bằng hộp xốp, túi ni lông không bảo đảm an toàn.

Trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế thì người tiêu dùng lại tỏ ra “dễ dãi”, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Chị Thanh Tâm, ở đường Trần Huy Liệu cho biết: “Do việc sử dụng thức ăn đường phố không thường xuyên, nên tôi cũng không mấy để tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay quy trình chế biến. Cứ chỗ nào ăn cảm thấy ngon thì mua”. Còn chị Nga ở phường Trần Quang Khải cho biết “Vợ chồng tôi do phải bận buôn bán mưu sinh, không có nhiều thời gian để tự đi chợ lựa chọn thực phẩm tươi sống, đủ tiêu chuẩn về nấu ăn nên tôi thường mua các loại thức ăn nhanh ở các quán ven đường gần nhà. Biết là không thể đảm bảo VSATTP như tự nấu, nhưng do tiện lợi lại cũng chưa thấy hiện tượng ngộ độc bao giờ nên tôi cũng không bận tâm nhiều”. Điều đáng nói là những vụ ngộ độc xuất phát từ những hàng quán này không ai kiểm chứng, thống kê được và nhiều người ăn không may mắn như gia đình chị Nga phải bấm bụng chịu “tiền mất, tật mang”.

Theo Điều 8, Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý thức ăn đường phố quy định: “Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về VSATTP và có giấy xác nhận; phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe; người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm; nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh…”. Tuy nhiên, có lẽ hiếm có cơ sở, điểm bán thức ăn đường phố nào trên địa bàn thành phố bảo đảm đúng quy định. Để lựa chọn thức ăn đường phố an toàn, người tiêu dùng nên mua và sử dụng thức ăn đường phố tại các địa điểm bày bán sạch sẽ, cách xa nơi có rác thải, bùn lầy, cống rãnh; có bàn, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống cách mặt đất ít nhất 60cm để giảm bớt nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây hại, bụi bẩn từ mặt đất vào thực phẩm. Nên chọn những nơi bán mà người chế biến, phục vụ sạch sẽ, đeo khẩu trang, bao tay khi chế biến thực phẩm. Người tiêu dùng cần cung cấp ngay thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất ATTP, khai báo tình trạng ngộ độc thực phẩm với cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý kịp thời./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com