Một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là xây dựng môi trường văn hóa. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.
Hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2024 của học sinh Trường THCS Trần Huy Liệu (Vụ Bản). |
Để xây dựng môi trường văn hóa học đường hiệu quả và bền vững, Sở GD và ĐT đã chú trọng tích hợp, lồng ghép nội dung thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các nhà trường thông qua lồng ghép nội dung các môn học, hoạt động ngoại khóa; đẩy mạnh thực hiện công tác tư vấn tâm lý; tổ chức các cuộc thi, hội thi hoặc tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục cho học sinh; chỉ đạo các cơ sở giáo dục (CSGD) sử dụng hiệu quả bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống” dành cho học sinh phổ thông... Tiêu biểu như cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ”; cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc thi “Vẽ tranh của thiếu niên, nhi đồng về Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay” năm học 2023-2024. Ngành GD và ĐT tỉnh được Bộ GD và ĐT tặng Bằng khen “Đơn vị có tỷ lệ thí sinh tham gia làm bài thi nhiều nhất cuộc thi”. Để sử dụng hiệu quả bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch đưa vào giảng dạy theo hướng tích hợp trong các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật và các môn học có liên quan, hoặc trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt lớp, hoạt động Đoàn, Đội…, qua đó góp phần tạo sức lan toả sâu rộng việc tích cực rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong học sinh các nhà trường.
Cùng với đó, ngành GD và ĐT chỉ đạo các CSGD xây dựng và triển khai hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trong trường học bao gồm những quy định về hành vi ứng xử của cán bộ quản lý, học sinh, giáo viên, nhân viên, phụ huynh nhằm tạo môi trường học tập thân thiện, tôn trọng và đoàn kết; hướng dẫn học sinh tổ chức thảo luận, phát huy dân chủ trong việc xây dựng và triển khai các nội quy, quy chế của trường, lớp, phù hợp quy định pháp luật và thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết. 100% CSGD đã thực hiện rà soát, bổ sung và thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trong trường học của đơn vị.
Ngành GD và ĐT tăng cường triển khai tư vấn tâm lý, công tác xã hội, đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Năm học 2023-2024, đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai chính sách và hướng dẫn kỹ năng công tác xã hội trường học; phối hợp Viện Khoa học giáo dục Việt Nam triển khai các hoạt động nghiên cứu giáo dục năng lực cảm xúc xã hội cho học sinh THPT tại 41 trường THPT trong tỉnh, chương trình đã hoàn thành triển khai khảo sát và tổ chức dạy các chuyên đề cho học sinh theo 2 hình thức: dạy trực tiếp và thông qua video.
Trường Tiểu học Rạng Đông (Nghĩa Hưng) tổ chức lễ kết nạp đội viên tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Toàn ngành tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng chuẩn hóa; phát huy vai trò “nêu gương” của người thầy; phấn đấu mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo, đạo đức, lối sống, có ý chí phấn đấu, khát vọng cống hiến. Các nhà trường đổi mới công tác quản trị, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân; đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc…; chú trọng tuyên truyền cho phụ huynh về vai trò “nêu gương” của gia đình trong việc giáo dục học sinh. Qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường kết nối để phụ huynh quan tâm tạo môi trường giáo dục hiệu quả trong gia đình, quản lý con em học tập, rèn luyện; tham gia giáo dục đạo đức học sinh qua các hoạt động ngoại khóa, chia sẻ, hỗ trợ, câu lạc bộ, tư vấn tâm lý...
Đặc biệt, công tác xây dựng văn hóa học đường được đẩy mạnh thông qua việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, hướng đến khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; có ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục học sinh ý thức tiếp thu, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc và bồi dưỡng tâm hồn, lòng yêu nước; tạo không gian thực hành, trải nghiệm cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động Đoàn, Đội, từ đó hình thành cho các em thế giới quan khoa học, nhân sinh quan tiến bộ về các giá trị đạo đức, pháp luật, và lối sống.
100% trường học đã tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện vì cộng đồng, tri ân, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, các câu lạc bộ phù hợp lứa tuổi, cấp học, nhằm tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam và tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đời sống, học tập. Đặc biệt, các nhà trường đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất cho học sinh; tích cực tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc cho học sinh như xây dựng “Tủ sách lớp học”, đổi mới hoạt động của hệ thống thư viện, tổ chức định kỳ các hoạt động giới thiệu sách, chia sẻ kỹ năng đọc; tổ chức các hội thi, liên hoan văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cho học sinh. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền gương “Người tốt, việc tốt” trong cán bộ, giáo viên, học sinh; vinh danh, tuyên dương, khen thưởng tấm gương các học sinh tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, lao động, thể thao; giới thiệu mô hình hay, cách làm sáng tạo trong dạy và học, rèn luyện đạo đức... để giáo dục lý tưởng sống, đạo đức, lối sống cho học sinh; tăng cường công tác quản lý, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự khu vực xung quanh trường học, ngăn chặn bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh. Tiêu biểu như các trường tiểu học: Trần Nhân Tông, Trần Quốc Toản, Nguyễn Viết Xuân (thành phố Nam Định); các trường THCS: Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), Nguyễn Hiền (Nam Trực); các trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Khuyến, Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định), A Hải Hậu (Hải Hậu), Giao Thủy (Giao Thủy), Mỹ Tho (Ý Yên)...
Làm tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần đào tạo những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin