Sự hình thành, phát triển của nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, kéo theo một lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống. Phần lớn người lao động có tuổi đời còn trẻ, đang ở tuổi sinh con do đó nhu cầu về chỗ học, nơi chăm sóc cho con độ tuổi mầm non rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế xung quanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh chưa có nhiều trường mầm non trông giữ trẻ cho công nhân.
Chăm sóc bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ ở Trường mầm non tư thục Saint Mery, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường). |
Mong muốn được gửi con vào các trường mầm non công lập là nhu cầu chính đáng, cần thiết của nhiều công nhân, bởi việc đảm bảo an toàn, tiền học phí, ăn uống cho trẻ hàng tháng phù hợp với thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, phần lớn thời gian trong ngày của công nhân đều phải làm việc trong công ty, trường công lập lại hoạt động theo giờ hành chính khiến công nhân gặp nhiều khó khăn khi họ thường xuyên phải làm tăng ca, thêm giờ. Trong khi đó, các lớp mầm non độc lập tư thục có mức học phí cao so với khả năng chi trả của công nhân lao động. Chính vì vậy, đa số công nhân phải chọn giải pháp gửi trẻ tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn, hoặc đưa con về quê gửi ông bà, họ hàng. Trong khi, các nhà trẻ tư nhân đều có nhiều hạn chế. Số người trông trẻ phần lớn không được đào tạo bài bản, không có kỹ năng sư phạm, ít có sự đầu tư trang thiết bị nuôi dạy trẻ, chủ nhà không có việc làm, không có chuyên môn, thậm chí lấy phòng trọ làm nơi giữ trẻ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn.
Một trong những chính sách an sinh mà tỉnh Nam Định đang thực hiện là giảm học phí cho con em công nhân làm việc tại khu công nghiệp, điều này thể hiện sự quan tâm tới công nhân, người lao động, đồng thời thu hút công nhân vào làm việc lại các khu công nghiệp của tỉnh. Tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã ra Nghị quyết 106/2022/NQ-HĐND về “Quy định chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục; trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động; giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của tỉnh Nam Định”. Theo đó: Hỗ trợ 160 nghìn đồng/trẻ/tháng đối với trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Hỗ trợ 800 nghìn đồng/giáo viên/tháng đối với giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp bảo đảm những điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học, mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng để tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Hỗ trợ 1 lần đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 165/UBND ngày 7/4/2023 về việc triển khai thực hiện; Sở cũng ban hành công văn số 185/SGDĐT-GDMN ngày 01/2/2024 về việc chỉ đạo thực hiện chính sách đối với giáo dục mầm non tại địa bàn có khu công nghiệp. Trong đó, học kỳ II năm học 2022-2023, có 6 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục; 380 trẻ là con công nhân, người lao động và 15 giáo viên dạy tại các nhóm lớp có trẻ là con công nhân được hỗ trợ với tổng kinh phí 484 triệu đồng. Năm học 2023-2024, huyện Vụ Bản có 4 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục; 157 trẻ là con công nhân, người lao động và 10 giáo viên dạy tại các nhóm lớp có trẻ là con công nhân được hỗ trợ. Thành phố Nam Định có 2 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục; 499 trẻ là con công nhân, người lao động và 21 giáo viên dạy tại các nhóm lớp có trẻ là con công nhân được hỗ trợ. Nằm trong Khu công nghiệp Bảo Minh, lớp Mầm non độc lập Việt Mỹ có 3 nhóm trẻ học tập, sinh hoạt với 39 cháu; trong đó có 29 cháu là con em công nhân làm việc trong khu công nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 106/2022/NQ-HĐND, đại diện lớp mầm non độc lập Việt Mỹ đã hoàn thiện hồ sơ cho 29 cháu để gửi các cấp xét duyệt nhận hỗ trợ. Chị Phạm Thị Hoài Thu, công nhân Khu công nghiệp Bảo Minh cho biết, năm học này là năm thứ 3 con chị được giảm học phí theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc con được hỗ trợ giảm học phí giúp chị yên tâm làm việc và có điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Còn cô giáo Phạm Thị Lan, phụ trách lớp mầm non độc lập Việt Mỹ cho biết: “Để rà soát đúng, đủ học sinh nằm trong diện được giảm học phí, ngoài hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, chúng tôi còn yêu cầu cha mẹ học sinh có giấy xác nhận của công ty để đảm bảo việc chi trả đúng đối tượng. Ngoài ra, cơ sở cũng được hỗ trợ 20 triệu đồng, 2 cô giáo giảng dạy tại cơ sở đã được nhận hỗ trợ theo tinh thần của nghị quyết của HĐND tỉnh. Điều này, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương tới giáo viên và các cơ sở mầm non tư thục, là điều kiện để cha mẹ học sinh tin tưởng gửi con ở các cơ sở mầm non tư thục giúp các cơ sở phát triển hoàn thiện hơn”.
Bên cạnh đó, quan tâm, chăm lo cho con công nhân ở các khu công nghiệp, các cấp Công đoàn trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tặng quà các cháu chăm ngoan học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập; tổ chức cho con em công nhân vui chơi nhân dịp Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi 1/6; đề xuất với chuyên môn, chính quyền để có cơ chế, chính sách tổ chức việc giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của trường; tạo điều kiện chia sẻ trách nhiệm giữa gia đình và các nhóm lớp độc lập dân lập, tư thục trong chăm sóc trẻ, ngăn ngừa những trường hợp bạo hành đối với trẻ; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho nhà trẻ, mẫu giáo; phối hợp cùng cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, giám sát chất lượng dạy và học của các cơ sở mầm non độc lập dân lập, tư thục ở các khu công nghiệp nhằm đảm bảo cho con em công nhân được học tập, nuôi dưỡng trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Việc quan tâm, chăm lo cho trẻ mầm non ở trong các khu công nghiệp sẽ tạo điều kiện cho người lao động yên tâm làm việc, giúp doanh nghiệp có nguồn lao động bền vững để phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, bậc học trên địa bàn.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin