Chữ nổi (Braille) là cầu nối giúp người khiếm thị tiếp cận tri thức, giao tiếp và hòa nhập xã hội. Để tôn vinh hệ thống này, Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 4/1 (ngày sinh của Louis Braille) làm Ngày Chữ nổi Thế giới, sự kiện được tổ chức lần đầu vào năm 2019. Tại Nam Định, thời gian qua công tác đào tạo chữ nổi đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống và tạo điều kiện cho người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống.
Một buổi học chữ nổi của học viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hội Người mù tỉnh. |
Hệ thống chữ nổi được Louis Braille (1809-1852) phát minh và hoàn thiện vào năm 1824, mở ra một chân trời mới cho những người khiếm thị. Louis Braille mất thị lực từ năm 3 tuổi do tai nạn. Không đầu hàng số phận, ông đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp giúp bản thân và cộng đồng khiếm thị tiếp cận kiến thức văn hóa. Thành quả của ông không chỉ tái hiện được chữ cái, chữ số mà còn cả các ký hiệu âm nhạc, tạo nên một phương tiện đọc hoàn chỉnh cho người khiếm thị. Trải qua nhiều thăng trầm, năm 1895, hệ thống chữ nổi của Louis Braille được thế giới công nhận và mang tên ông như một lời tri ân. Đến năm 1898, hệ thống này du nhập vào Việt Nam và được Việt hóa, trở thành công cụ học tập hiệu quả cho cộng đồng người khiếm thị trong nước.
Theo báo cáo của Hội Người mù Nam Định, hiện nay toàn tỉnh có trên 2.500 hội viên. Xác định vai trò quan trọng của chữ nổi trong việc giúp các hội viên sớm hòa nhập cộng đồng, những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã tích cực chỉ đạo các huyện hội, thành hội phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, tổng hợp danh sách người mù để xây dựng kế hoạch mở lớp học nghề, chữ nổi, văn hóa và tổ chức các hoạt động hòa nhập. Hàng năm, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hội Người mù tỉnh đã khai giảng nhiều lớp cho hàng chục học viên học văn hóa, chữ nổi và phục hồi chức năng, nghề tẩm quất xoa bóp. Phần lớn khi mới vào trung tâm, các em còn rất bỡ ngỡ khá rụt rè. Một số em không hình dung chính xác được mọi đồ vật, quy luật trái, phải, do đó các giáo viên của trung tâm phải hướng dẫn từng chi tiết nhỏ. Anh Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hội Người mù tỉnh cho biết: “Việc đào tạo chữ nổi và phục hồi chức năng giúp học viên tự lập hơn, đồng thời mở rộng cơ hội hòa nhập cộng đồng”. Chúng tôi luôn cố gắng tổ chức các lớp học phù hợp với từng độ tuổi và hoàn cảnh của học viên, kết hợp giữa việc giảng dạy văn hóa, chữ nổi với các kỹ năng nghề”. Không chỉ dạy học, các cán bộ, giáo viên ở trung tâm còn chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học viên nội trú... Dù công việc vất vả, nhưng được giúp các học viên vượt lên số phận, từng bước khắc phục hoàn cảnh để hòa nhập cộng đồng đã trở thành nguồn động viên lớn nhất để cán bộ, giáo viên của trung tâm cố gắng làm tốt vai trò của mình. Nhiều học viên sau khi tham gia khoá học chữ nổi Braille đã tự tin hơn trong giao tiếp và được tiếp cận các kiến thức từ sách, báo. Em Trần Đức Trung (20 tuổi), ở huyện Nam Trực bị khiếm thị bẩm sinh; chị gái Trung bị mù đa tật (thần kinh), hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Những ngày đầu đến học tại trung tâm, Trung nhút nhát và nghĩ sẽ không thể theo học chữ. Được sự động viên của thầy giáo, sau một thời gian học tập và giao lưu với các bạn đồng cảnh, em đã tự tin, biết cách đi lại không cần người dẫn đường, có thể tự ăn, tự lo sinh hoạt cá nhân, biết viết chữ Braille. Học chữ cũng là tiền đề để Trung tiếp tục vững tin theo học nghề xoa bóp, bấm huyệt tại Trung tâm, biến ước mơ có việc làm nuôi sống bản thân và giảm phụ thuộc vào gia đình trở thành hiện thực. Em Nguyễn Thị Mỹ Lệ (19 tuổi), đến từ huyện Vụ Bản, chia sẻ niềm vui sau khi tham gia khóa học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hội Người mù tỉnh: “Sau 3 tháng học chữ nổi Braille với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô, giờ đây em đã có thể đọc thông, viết thạo chữ nổi và làm được các phép tính đơn giản”. Nhờ khóa học này, Lệ không chỉ tự tin hơn trong học tập mà còn nhận thấy cơ hội mở ra cho tương lai. Lệ tâm sự: “Chữ nổi đã giúp em tiếp cận tri thức một cách chủ động, từ đó không còn cảm thấy mình bị tách biệt với thế giới xung quanh”. Trường hợp của Lệ là một minh chứng điển hình cho những nỗ lực của Hội Người mù tỉnh Nam Định trong việc hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận giáo dục và hòa nhập cộng đồng. Những khóa học như vậy không chỉ mang lại kiến thức, kỹ năng mà còn thắp lên hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người không may mất đi ánh sáng. Thầy Mai Văn Ngạch, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh kiêm giảng viên chữ nổi Braille, cho biết: “Để nâng cao văn hóa đọc cho học viên khiếm thị, thư viện của trung tâm thường xuyên cập nhật các đầu sách mới”. Hiện tại, thư viện của trung tâm đã có hơn 300 đầu sách chữ nổi cùng nhiều đầu báo và tạp chí chữ nổi được Trung ương Hội Người mù Việt Nam phát hành. Những tài liệu này không chỉ cung cấp kiến thức đa dạng mà còn giúp học viên duy trì thói quen đọc, tiếp cận thông tin một cách chủ động. Đặc biệt, để đảm bảo học viên sau khi hoàn thành khóa học vẫn có thể tiếp cận nguồn sách báo, Hội Người mù tỉnh triển khai chương trình luân chuyển sách báo chữ nổi. Theo đó, các huyện Hội sẽ vận chuyển các ấn phẩm đến tận nhà từng học viên, giúp họ duy trì kết nối với tri thức, ngay cả khi không còn ở trung tâm. “Chúng tôi mong muốn việc đọc sách trở thành một thói quen lâu dài, giúp các học viên không chỉ mở mang kiến thức mà còn nâng cao đời sống tinh thần”, thầy Ngạch chia sẻ thêm. Sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các học viên và gia đình, tạo động lực để Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người khiếm thị trên địa bàn tỉnh.
Nhờ tiếp cận tri thức từ chữ nổi Braille, đến nay, Hội đã giúp 875 người khiếm thị có việc làm thường xuyên, hơn 700 người giúp đỡ gia đình qua chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán dịch vụ. Đời sống của người khiếm thị đã được nâng cao rõ rệt. Cùng với hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hội Người mù tỉnh, Hội Người mù thành phố và các huyện cũng đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên học chữ, tạo điều kiện cho hội viên vượt qua mặc cảm vươn lên hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Hội Người mù thành phố Nam Định thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, mở lớp chữ nổi và cung cấp tài liệu Braille. Hội cũng được đầu tư trang thiết bị văn phòng và tủ sách chữ nổi, phục vụ nhu cầu học tập và tìm hiểu chính sách của hội viên. Hội Người mù huyện Vụ Bản đạt tỷ lệ 96% hội viên biết chữ nổi và đang phấn đấu đạt mục tiêu 100%. Hội thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, vận động hội viên tham gia các cuộc vận động lớn gắn với chương trình “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên”. Hội Người mù huyện Ý Yên với gần 70% hội viên biết đọc và viết. Đời sống văn hóa, tinh thần của hội viên được nâng cao thông qua các hoạt động sáng tác thơ, tiêu biểu là các tập thơ “Người mù ơn Đảng” và “Niềm tin và ánh sáng”.
Ngày nay, dù nhiều công cụ hiện đại hỗ trợ, chữ nổi Braille vẫn là công cụ quan trọng giúp người khiếm thị tiếp cận tri thức. Chữ nổi hiện được áp dụng tại các công trình công cộng như máy ATM, thang máy, trung tâm thương mại và bệnh viện… tạo thuận lợi cho người khiếm thị trong đời sống hàng ngày. Tại tỉnh Nam Định, Thư viện tỉnh đã mở rộng dịch vụ với sách chữ nổi, sách nói kỹ thuật số và các thiết bị công nghệ hiện đại. Đặc biệt, Dự án “Xe thư viện lưu động đa phương tiện” đã mang đến chiếc xe “Ánh sáng tri thức” với đầy đủ trang thiết bị và hàng nghìn tài liệu phục vụ người khiếm thị, giúp họ dễ dàng tiếp cận văn hóa đọc, nhất là ở vùng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và tri thức.
Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cấp Hội Người mù, cùng sự đồng hành từ toàn xã hội, chữ nổi Braille không chỉ đang dần phổ cập với từng người khiếm thị mà còn trở thành cầu nối quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, tạo cơ hội phát triển và khẳng định quyền bình đẳng trong việc tiếp cận tri thức của mỗi người.
Bài và ảnh: Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin