Dịp cuối năm, các chiêu trò lừa đảo tài chính trên không gian mạng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, từ mạo danh nhân viên ngân hàng, công an đến chiêu dụ đầu tư sinh lời cao, gây tổn thất nặng nề cho nhiều người.
Ngày 11/4/2024, chị Trần Thị Giang đến Phòng giao dịch Ý Yên thuộc Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam Chi nhánh Nam Định (LPBank Nam Định) để mở tài khoản. Sau đó ngày 15/4, nhân viên ngân hàng phát hiện khách hàng đã thực hiện hai lần nộp tiền trong ngày (500 nghìn đồng buổi sáng và 3 triệu đồng buổi chiều). Nhận thấy khách hàng có biểu hiện lúng túng, lo lắng, phát hiện khách hàng đang bị một đối tượng trên Telegram yêu cầu chuyển tiền vì lý do “lỗi giao dịch” liền lập tức báo cáo lãnh đạo phòng giao dịch. Qua thông tin khách hàng cung cấp, phòng giao dịch nhận định đây là vụ lừa đảo qua mạng. Thời điểm đó, khách hàng đã chuyển hơn 30 triệu đồng cho bên lừa đảo và đang chuẩn bị vay thêm tiền để tiếp tục chuyển. Lãnh đạo phòng giao dịch phối hợp với Công an địa phương, động viên khách hàng gỡ ứng dụng Telegram và liên hệ với gia đình để ngăn chặn kịp thời. Qua xác minh, đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ khách hàng tham gia đầu tư chứng khoán trên một đường link Facebook. Ban đầu, khách hàng được hoàn tiền cả gốc và lãi để tạo lòng tin, nhưng sau đó bị yêu cầu nộp thêm tiền để “nâng cấp tài khoản” và “tăng lợi nhuận”. Khi khách hàng nghi ngờ, đối tượng viện lý do hệ thống bị lỗi, ép chuyển thêm tiền trong thời gian ngắn. Dù nhận ra mình bị lừa, khách hàng vẫn bị thao túng tâm lý “cố đấm ăn xôi” muốn gỡ vì tiếc tiền và lo sợ khi đã vay mượn nhiều nơi. Sự hỗ trợ kịp thời của LPBank và cơ quan chức năng đã giúp khách hàng tránh tiếp tục bị lừa và nhận thức rõ các chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Hơn một tuần trước, chị Trần Thị Minh (thành phố Nam Định) cũng nhận được cuộc gọi của người tự xưng là nhân viên điện lực liên lạc qua điện thoại và kết bạn qua Zalo, thông báo gia đình chị chưa đóng tiền điện của tháng 10 nên phải đóng gấp, nếu không sẽ bị cắt điện. “Tôi bán tín bán nghi. Vì tiền điện của gia đình được thiết lập trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng vào ngày 28 hàng tháng. Nhưng tôi cũng vẫn hỏi mã số khách hàng của tôi là bao nhiêu vì sợ có nhầm lẫn. Người tự nhận là nhân viên điện lực Nam Định không trả lời được và vội dập máy luôn” - chị Minh cho biết thêm. Khi chị đăng clip cảnh báo lên mạng, có thêm rất nhiều người đã mạo danh công an, ngân hàng thậm chí là “tổ chức tín dụng”... liên hệ với chị định lừa tiếp với chiêu trò giúp lấy lại tiền đã mất đồng thời, hỗ trợ thêm cho vay tín dụng. Rất may, chị Minh đã được công an khu vực cảnh báo qua nhóm Zalo của tổ dân phố nên đã không rơi vào bẫy của tội phạm.
Đã có nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bị sập bẫy với các chiêu lừa tương tự trong suốt năm qua. Theo đại diện một số ngân hàng cho biết, việc yêu cầu xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến đã hạn chế phần nào nạn lừa đảo, nhưng không thể triệt để khắc phục vấn nạn này dù các ngân hàng liên tục cảnh báo. Chiêu trò của tội phạm là thao túng tâm lý dẫn dụ khách hàng xác thực từng giao dịch chuyển tiền lừa, chứ tội phạm không thao tác. Để tránh tình trạng bị lừa vào dịp cuối năm, các khách hàng phải thường xuyên nhận diện các chiêu trò, hình thức lừa đảo mới trong giao dịch cũng như cập nhật tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chức năng. Hiện tại các ngân hàng đều đã có thông báo khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác trước những lời lẽ mời chào, dụ dỗ trên mạng xã hội và không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho các đối tượng lạ. Cán bộ ngân hàng không bao giờ liên hệ khách hàng để yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật cá nhân hoặc tài khoản, thẻ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng vẫn đang tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân và phối hợp với các ngân hàng, các nền tảng thương mại điện tử áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, tránh giảm thiệt hại cho người tiêu dùng. Việc nâng cao cảnh giác và kịp thời báo cáo vụ việc là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc chủ động phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Người dân cần phải nâng cao ý thức trong đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, dữ liệu. Hiện nay, việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân diễn ra rất nhiều và trong đó nhiều người dân còn không có ý thức bảo vệ dữ liệu, sẵn sàng cung cấp số điện thoại, địa chỉ, hay đưa thông tin, hình ảnh của bản thân, bạn bè, gia đình… lên các nhóm, trang mạng, nền tảng mạng xã hội hay đơn giản như làm thẻ giảm giá siêu thị, cửa hàng. Chính những thông tin này khi được người dân đưa lên vô tình sẽ “giúp” các đối tượng lấy cắp thông tin, qua đó chúng dễ dàng nghiên cứu về nhân thân, lai lịch, thói quen, sở thích cũng như những thông tin về gia đình, con cái, công việc… có liên quan để lập kế hoạch lừa đảo. Cùng với việc nâng cao cảnh giác, làm theo hướng dẫn của cơ quan Công an, mỗi người cần nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng sẽ giúp hạn chế và phòng ngừa bị các đối tượng lấy cắp thông tin, lừa đảo.
Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin