Thương mại điện tử là kênh bán hàng hiện đại mang lại nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng giả danh người giao hàng để chiếm đoạt tài sản đang gây nhức nhối cho người tiêu dùng, chủ hàng và cả những người giao hàng.
Vừa ngỡ ngàng, vừa bực tức vì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản một cách tinh vi từ nhân viên giao hàng giả mạo, chị Phạm Thúy Hằng, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) kể: “Tôi thường mua hàng online vì thuận tiện và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, mới đây tôi đã bị một đối tượng lừa đảo giả mạo người giao hàng gọi điện thoại nói rằng đơn hàng của tôi đã được chuyển đến và gửi hàng xóm, yêu cầu tôi chuyển khoản thanh toán ngay hơn 300 nghìn đồng. Trước đây, tôi đã nhiều lần nhận hàng bằng cách này nên cũng không nghi ngờ gì và chuyển khoản theo yêu cầu. Đi làm về, tôi sang hàng xóm lấy hàng thì không có; gọi lại cho người giao hàng thì số điện thoại trong tình trạng thuê bao không liên lạc được; kiểm tra camera an ninh của khu phố cũng không thấy có người giao hàng… mới biết mình bị lừa. May là hàng xóm hiểu, chứ không lại còn mất “tình làng nghĩa xóm”. Anh Trần Quốc Hùng ở nhà kế bên chị Hằng, cho biết: Anh có đặt mua 1 bộ dao của đồng bào dân tộc của một người bán hàng ở Cao Bằng với giá gần 1 triệu đồng. Tuy nhiên vừa mới đặt hôm trước, hôm sau đã có nhân viên gọi giao hàng nói chính xác tên hàng và giá trị thanh toán cũng như đại lý tôi đặt mua. Nghi ngờ vì với khoảng cách xa như thế không thể giao hàng sớm như vậy được nên anh đã hẹn nhân viên tới trưa khi tôi đi làm về sẽ nhận, xem hàng trực tiếp mới thanh toán. Vậy là đến suốt ngày hôm đó không thấy nhân viên giao hàng đâu. Gọi điện lại cho cơ sở sản xuất giao họ nói mới gửi chiều hôm qua, chắc phải 3-4 hôm sau anh mới nhận được.
Tình trạng giả danh người giao hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang diễn ra phổ biến do người mua hàng trực tuyến quá nhiều, không nhớ rõ mình đặt mua những gì. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả danh người giao hàng để chiếm đoạt tài sản với hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Những cuộc gọi này nhằm đánh vào việc một số người mua hàng quen thuộc thường tin tưởng và chuyển khoản tiền vận chuyển hoặc tiền hàng cho người vận chuyển hàng khi không có mặt người nhận. Cuối cùng khách hàng vừa mất tiền mà không được nhận đúng sản phẩm mà mình mong muốn. Thời gian đầu đối tượng lừa đảo thường chỉ gọi điện và đưa ra những thông tin chung chung như bạn có đơn hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm... và lợi dụng những người mua sắm nhiều, dễ quên các đơn hàng để yêu cầu khẩn trương chuyển khoản. Tuy nhiên, gần đây kẻ lừa đảo đã áp dụng phương thức tinh vi hơn, thông qua việc đánh cắp thông tin, dữ liệu khách hàng. Khi gọi điện cho nạn nhân, chúng có thể nêu chính xác tên mặt hàng đã mua, số tiền và địa chỉ giao hàng... Điều này khiến cho người nhận không còn nghi ngờ gì và mắc bẫy lừa đảo một cách dễ dàng. Cá biệt hơn một vài khách hàng đã chuyển tiền hàng nhưng còn bị kẻ lừa đảo gọi lại cho khách hàng nói họ chuyển nhầm do sơ suất của nhân viên giao hàng đề nghị hỗ trợ nhấp vào đường link gửi kèm để xác nhận đã thanh toán. Từ đường link này sẽ dẫn đến việc các đối tượng đánh cắp tiền trong tài khoản cá nhân hoặc đưa chủ tài khoản tham gia vào các hội, nhóm và bị khấu trừ tiền hằng tháng.
Để hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo này, nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn có giao dịch kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là giao dịch qua mạng xã hội facebook, zalo, tiktok không chia sẻ và tiết lộ những thông tin cá nhân, đặc biệt là các thông tin về đơn hàng cho các đối tượng không liên quan, hoặc đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Người bán hàng chủ động thông báo đến khách hàng lịch trình gửi hàng, dự kiến thời gian tới và thương lượng với khách hàng chuyển tiền trực tiếp không qua đơn vị trung gian để tránh lừa đảo. Chị Phạm Thị Nga kinh doanh thời trang trên phố Nguyễn Hiền (thành phố Nam Định) cho biết: Trong một ngày có tới 3 khách hàng gọi điện bức xúc về việc bị lừa đảo qua hình thức giả danh nhân viên giao hàng nên chị buộc phải tạm dừng hình thức gửi hàng ship COD (hình thức giao hàng thu hộ tiền hoặc giao hàng thu tiền; cách gửi hàng có nhiều ưu thế tạo thuận lợi cho cả bên bán và bên mua) như trước đây mà thay vào đó là động viên khách chuyển khoản trước mới gửi hàng (đối với khách lạ) và khách nhận hàng mới chuyển khoản sau để không bị lợi dụng.
Trước thực trạng lừa đảo trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân trước khi thực hiện giao dịch cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các giới thiệu, đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ quyết định đặt hàng của mình. Lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động. Luôn cảnh giác với yêu cầu chuyển tiền trước cho các đơn hàng không rõ ràng; kiểm tra kỹ thông tin trước khi thanh toán. Không nhấp vào các đường link do người lạ gửi, đặc biệt từ các tài khoản mạng xã hội và tin nhắn SMS. Trong trường hợp nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng; đồng thời liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định.
Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin