Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường

08:09, 11/12/2024

Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng trong mọi lĩnh vực giúp công việc trở nên đơn giản và năng suất hơn. Trong giáo dục, AI đang là một phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và tối đa hóa hiệu quả hoạt động giảng dạy.

Một giờ học ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và học tập tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).

Các ứng dụng của AI được sử dụng để cải thiện và tối ưu hóa quá trình dạy và học, bởi AI có khả năng phân tích dữ liệu học tập, cá nhân hóa lộ trình học và tự động hóa các tác vụ giảng dạy, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục. Hiện ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đang khuyến khích các nhà trường tích cực ứng dụng AI để giúp ích cho việc dạy và học. Các cơ sở giáo dục (CSGD) cũng đang từng bước tích cực ứng dụng AI vào phục vụ công tác giảng dạy và một số hoạt động giáo dục.

Trường Tiểu học thị trấn Cồn (Hải Hậu) đang từng bước ứng dụng AI trong dạy học, bằng việc sử dụng các công cụ AI vào nghiên cứu, phân tích, xây dựng bài học, để nội dung thêm sinh động hấp dẫn, tạo cho học sinh hứng thú, dễ tiếp thu bài học và các tiết học diễn ra một cách tự nhiên nhất có thể. Thầy giáo Đặng Quang Tiến, giáo viên nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức tập huấn cho giáo viên về sử dụng các công cụ AI như chat GPT để phân tích nội dung bài học, tìm kiếm những nội dung mới lạ, tạo ý tưởng cho từng slide bài giảng. Sử dụng Slidesgo để tạo ra hàng loạt các slide PowerPoint bài giảng chất lượng. Ngoài ra giáo viên còn sử dụng thêm công cụ Adobe Express để thiết kế các hình ảnh minh hoạ đi kèm với bài đọc. Điều này giúp học sinh hiểu nội dung dễ dàng hơn và thu hút sự chú ý.

Vài năm trở lại đây, một số trường THCS, THPT trong tỉnh đã đưa ứng dụng AI vào hỗ trợ các hoạt động học tập và giáo dục, tạo điều kiện cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển các mô hình học tập tiên tiến như học tập thông qua trò chơi, học trực tuyến, và học dựa trên dữ liệu. Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) đã tổ chức hội thảo về ứng dụng AI trong việc soạn giáo án và hỗ trợ các hoạt động giáo dục, nhiều giáo viên đã hưởng ứng và sử dụng các ứng dụng của AI như Chat GPT, Chat Gemini, Chat Gamma… để soạn bài giảng, giúp tiết kiệm thời gian và tăng chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Ngoài ra, giáo viên còn sử dụng để thiết kế các nhiệm vụ học tập hấp dẫn; tạo ra các trò chơi độc đáo liên quan đến nội dung bài giảng, tạo ra các hoạt động nhóm phù hợp với nội dung bài giảng và mục tiêu học tập, không những giúp học sinh học tập một cách hiệu quả mà còn khuyến khích sự tương tác và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm, AI có thể đề xuất các câu hỏi, bài tập thực hành và bài tập sáng tạo để giáo viên sử dụng trong quá trình đánh giá kiến thức của học sinh, giúp học sinh được tiếp cận với nhiều loại bài tập khác nhau, từ các câu hỏi ngắn đến các bài tập tóm tắt hay trắc nghiệm khách quan theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, một số giáo viên đã ứng dụng AI để tạo ra các trợ lý ảo, giúp giáo viên nhấn mạnh một nội dung, phân tích một tình huống, một video mà giáo viên không muốn thuyết trình quá nhiều, chốt một vấn đề hoặc đặt câu hỏi gợi mở tình huống dẫn vào hoạt động tiếp theo, giao bài tập về nhà, trong quá trình đó, giáo viên vẫn quan sát và quản lý được hoạt động của học sinh.

Trong Hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2024-2025, các giáo viên của nhà trường được cử tham gia Hội thi đã ứng dụng AI vào xây dựng kế hoạch bài dạy và hỗ trợ ngay trong tiết dạy dự thi giáo viên giỏi thông qua việc tạo ra các bài giảng và tài liệu phong phú, đa dạng, phù hợp từng đối tượng học sinh, giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh thông qua các hoạt động học tập sáng tạo, thú vị. Tại Hội thi này, cô Bùi Thị Ngọc Nương, môn Toán đoạt giải Nhì, cô Trần Thị Hương Giang, môn Ngữ văn và cô Bùi Thị Hiền, môn Tiếng Anh đoạt giải Nhất. Đặc biệt, từ những kết quả mà ứng dụng AI mang lại, cô giáo Trần Thị Thúy Mùi, Phó Hiệu trưởng nhà trường và cô giáo Đào Thị Ngọc Phương, Thư ký Hội đồng trường đã xây dựng sáng kiến kinh nghiệm “Đề xuất một số giải pháp định hướng học sinh THPT sử dụng công cụ GEN AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) nhằm hỗ trợ các hoạt động học tập và giáo dục” với mong muốn AI không chỉ ứng dụng trong các tiết học mà còn được khai thác và ứng dụng trong các hoạt động giáo dục khác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường trong năm học và những năm tiếp theo.

Từ thực tế ứng dụng AI tại các CSGD cho thấy những lợi ích to lớn của AI như: Nâng cao chất lượng học tập; giảm tải công việc hành chính cho giáo viên, giúp giáo viên tập trung vào giảng dạy; cải thiện trải nghiệm học tập, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách nhanh chóng và hiệu quả, giáo viên có nhiều thời gian hơn để tương tác với học sinh thay vì dành quá nhiều thời gian cho các công việc như soạn bài, chấm điểm. Cô Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cồn (Hải Hậu) chia sẻ: “Việc sử dụng các công cụ AI vào dạy học giúp giáo viên có thể thiết kế tài liệu phù hợp với trình độ và sở thích của từng học sinh, làm cho nội dung sinh động, nhiều màu sắc giúp học sinh hứng thú hơn với bài học. Học sinh không chỉ học, đọc mà còn phát triển khả năng sáng tạo, tư duy hình ảnh và công nghệ”. Còn cô Đoàn Thanh Huyền, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện tôi đang sử dụng AI trong giảng dạy với một số kết quả đạt được như: Ứng dụng chatbot AI để hỗ trợ giải đáp câu hỏi thường gặp của học sinh, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian và tập trung vào các công việc quan trọng hơn; sử dụng AI để chấm bài tập tự động, giúp giảm khối lượng công việc cho giáo viên; ứng dụng AI để cá nhân hóa quá trình học tập, đề xuất các chủ đề và bài tập phù hợp với từng học sinh. Bản thân tôi cũng có một sáng kiến kinh nghiệm liên quan đến AI: “Vận dụng AI trong dạy học Nghị luận xã hội”.

Mặc dù AI mang đến nhiều tiềm năng cho giáo dục, nhưng việc ứng dụng công nghệ này cũng đối mặt với một số thách thức và hạn chế đáng kể như: Quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, rủi ro rò rỉ thông tin cá nhân, sử dụng dữ liệu sai mục đích là những mối lo ngại lớn; khả năng tiếp cận công nghệ của một số giáo viên lớn tuổi còn bị hạn chế; chi phí để đầu tư vào các hệ thống AI cũng rất lớn. Việc quá phụ thuộc vào công nghệ có thể làm giảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp và làm việc nhóm của học sinh. Cán bộ, giáo viên Trường THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định) cho biết: Hiện tại, cũng như các CSGD khác, nhà trường đang thiếu nguồn lực kinh phí để đầu tư phần mềm AI, do vậy, đơn vị rất cần hỗ trợ tài chính từ các cấp quản lý. Bên cạnh đó, giáo viên chưa đủ kỹ năng ứng dụng AI, do vậy, cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với đó, một số phụ huynh lo ngại về việc học sinh quá phụ thuộc vào công nghệ. Mặt khác, học sinh lệ thuộc hoàn toàn vào AI khiến giáo viên đánh giá chưa đúng kết quả học tập của học sinh, quá trình tự học cũng không phát huy được hiệu quả, nên cần lựa chọn những kiểu bài tập phù hợp, phát huy khả năng tự học của học sinh.

Từ những hạn chế trong quá trình ứng dụng, một số trường đang có giải pháp khắc phục. Đơn cử, Trường Tiểu học thị trấn Cồn đã có những giải pháp để khắc phục như: Tập huấn cho tất cả giáo viên về các kỹ năng sử dụng công cụ AI trong dạy học ngay từ đầu năm học và trong các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng. Nhà trường hỗ trợ 1 phần kinh phí cho những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, mở phòng Tin vào những buổi nghỉ để giáo viên lên thực hành và nghiên cứu sử dụng các công cụ AI trong dạy học...

Để ứng dụng AI hiệu quả hơn nữa, ngành GD và ĐT cần nghiên cứu để khai thác, ứng dụng đưa AI vào trong giáo dục; đồng thời, nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, học sinh; xây dựng chương trình học liệu bằng việc tập trung đào tạo, huấn luyện đội ngũ giáo viên, xây dựng bài giảng cho các môn học; nghiên cứu thêm một số lĩnh vực có thể áp dụng AI trong giáo dục.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com