Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (HN và GDTX) tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm có nhiệm vụ giúp ngành Giáo dục thực hiện hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục trong các hoạt động quản lý viên chức, hoạt động chuyên môn; đồng thời là đầu mối để hỗ trợ các nhà trường THCS, THPT, các Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện, thành phố về bồi dưỡng giáo viên về nghiệp vụ tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm và cung ứng các dịch vụ công thuộc lĩnh vực giáo dục, góp phần thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh Trường THCS Hàn Thuyên (thành phố Nam Định). |
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm là tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hướng nghiệp, phân luồng học sinh như: Chương trình giáo dục hướng nghiệp (GDHN), tư vấn hướng nghiệp cho học sinh học Chương trình GDPT; Bồi dưỡng giáo viên các trường THCS, THPT về giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp; Tổ chức lao động sản xuất và dịch vụ kỹ thuật phục vụ GD và ĐT, góp phần phân luồng học sinh sau THCS và THPT; Mở lớp dạy nghề; liên kết, phối hợp với các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để đào tạo và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, thanh, thiếu niên và các đối tượng khác khi có nhu cầu; Liên kết, phối hợp với các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân để đào tạo và cấp bằng nghề cho học sinh học chương trình GDTX cấp THPT theo quy định pháp luật.
Hiện tại Trung tâm đang tham mưu cho Sở GD và ĐT làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS, THPT, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 01/01/2018 của UBND tỉnh về Đề án GDHN và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025 tỉnh Nam Định.
Năm học 2023-2024, Trung tâm đã tham mưu Sở GD và ĐT ban hành công văn hướng dẫn giảng dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; xây dựng văn bản tư vấn hướng nghiệp, tổ chức các hội nghị tư vấn hướng nghiệp bậc THCS-THPT, phân luồng học sinh cho các trường THCS trực thuộc Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định; tham mưu với Sở GD và ĐT tổ chức kỳ thi nghề phổ thông cho học sinh. Cùng với đó, Trung tâm giảng dạy, ôn tập chương trình thi nghề phổ thông và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Trần Quang Khải, Trần Văn Lan với 73 lớp, tổng số 2.684 học sinh ở các nghề: điện dân dụng, may, làm hoa, tin học, nấu ăn, kinh doanh. Đồng thời, Trung tâm liên kết với Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định thực hiện giảng dạy, bổ sung kiến thức chương trình hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho 3.006 học sinh lớp 8; giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp và phân luồng cho 3.382 học sinh lớp 9 các trường THCS trực thuộc Phòng GD và ĐT thành phố Nam Định theo chương trình của Bộ GD và ĐT.
Công tác giảng dạy ôn tập chương trình dạy nghề phổ thông được Trung tâm thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. Đặc biệt, quá trình giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp và tư vấn, giảng dạy chương trình hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD và ĐT, giáo viên đã lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh; giáo dục các em hiểu và biết trân trọng giá trị của mỗi loại hình nghề nghiệp. Học sinh Phạm Phương Nhi, lớp 12, Trường THPT Nguyễn Khuyến chia sẻ: “Các buổi tư vấn hướng nghiệp của thầy, cô ở Trung tâm HN và GDTX tỉnh giúp bản thân em và các bạn có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, có cơ sở để lựa chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích bản thân và điều kiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, trong các buổi tư vấn hướng nghiệp, chúng em càng hiểu hơn vai trò của mỗi ngành, nghề, từ đó càng trân trọng hơn các ngành, nghề trong xã hội”. 100% học sinh tham gia ôn tập và thi nghề phổ thông năm học 2023-2024 đều đạt kết quả và được cấp chứng chỉ với tỷ lệ khá, giỏi trên 90%. Ngoài ra Trung tâm còn kết hợp với Trung tâm GDTX tỉnh, Trung tâm GDTX Trần Phú... giảng dạy, ôn tập và thi nghề phổ thông để thi lấy giấy chứng chỉ nghề phổ thông cho học viên.
Đồng chí Trần Văn Độ, Giám đốc Trung tâm HN và GDTX tỉnh chia sẻ: Trung tâm đang tập trung khắc phục một số khó khăn, tồn tại như: bổ sung kịp thời tài liệu, sách giáo khoa, thiết bị thực hành, thí nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018; khắc phục việc thiếu hoặc chưa cân đối đội ngũ giáo viên dạy văn hóa ở các bộ môn; khắc phục việc phối hợp dạy các chủ đề trải nghiệm hướng nghiệp chưa đồng đều ở các cấp học (việc phối hợp dạy các chủ đề trải nghiệm hướng nghiệp hầu như tập trung ở bậc THCS; sự gắn kết, phối hợp giữa Trung tâm với các trường THPT để triển khai dạy các chủ đề trải nghiệm hướng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn…). Trung tâm tiếp tục tham mưu Sở GD và ĐT tăng cường GDHN cho học sinh phổ thông theo hướng nâng cao chất lượng, định hướng nghề nghiệp phù hợp nhu cầu nhân lực địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các trường Cao đẳng nghề - Trung cấp nghề trong quản lý, giáo dục học sinh lớp 10 GDTX bậc THPT. Tổ chức tốt các hoạt động dạy và học, chú trọng giáo dục học sinh tại các cơ sở liên kết, phối hợp, đồng thời nâng cao hiệu quả giờ lên lớp, chất lượng giáo dục học sinh. Kiến tạo và trải nghiệm các hoạt động mới tại Phòng Hướng nghiệp - Đào tạo nghề của Trung tâm.
Phối hợp chặt chẽ Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các trường THPT, các phòng chuyên môn của Sở GD và ĐT để nâng cao chất lượng GDHN, định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Ưu tiên tổ chức các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh THCS, học sinh cuối cấp, phù hợp điều kiện các nhà trường, nhằm làm tốt công tác phân luồng, phục vụ công tác tuyển sinh và củng cố nhận thức về nghề nghiệp cho học sinh; định hướng hiệu quả việc phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT theo học các chương trình GD và ĐT phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh. Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GDHN. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về lựa chọn nghề nghiệp, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh trung học.
Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề, chú trọng kinh nghiệm thực tiễn và năng lực nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phương pháp dạy học hiện đại, tích hợp các kỹ năng cốt lõi như kỹ năng mềm, kỹ năng số trong giảng dạy, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Chú trọng ứng dụng tiện ích của mạng xã hội trong phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các nguồn tài liệu phục vụ học sinh và các đối tượng người học. Phối hợp, đề xuất các nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan, lao động sản xuất thực tế tại các xưởng, tại các trường cao đẳng, đại học, từ đó xây dựng tầm nhìn hướng học, hướng nghiệp cho học sinh được tốt hơn.
Việc liên kết, phối hợp trong GD và ĐT và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông sẽ giúp các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp năng lực, sở trường cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương, góp phần thực hiện tốt “Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh GDPT giai đoạn 2018-2025” theo Kế hoạch 100/2018/KH-UBND của UBND tỉnh.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin