Giáo dục STEM là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Từ năm học 2023-2024, các trường tiểu học trên toàn tỉnh đã triển khai chương trình giáo dục STEM. Qua một năm thực hiện cho thấy hiệu quả tích cực chương trình đem lại, đồng thời rút ra một số kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, thực hiện.
Học sinh Trường Tiểu học Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) thuyết trình các sản phẩm STEM. |
Tích cực tiếp cận giáo dục STEM
Quá trình triển khai giáo dục STEM, căn cứ điều kiện thực tiễn, các trường tiểu học đã xây dựng kế hoạch triển khai theo lộ trình từng giai đoạn trong năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo một cách sáng tạo, linh hoạt, coi đây là một trong những cách thức để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT mới, tạo cơ hội cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống.
Trường Tiểu học Hải Cường (Hải Hậu) đã chỉ đạo giáo viên bám sát tài liệu Bộ GD và ĐT biên soạn có bài học STEM. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức hội nghị chuyên đề, đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Tăng cường tham mưu các cấp quan tâm, bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện hiệu quả giáo dục STEM phù hợp điều kiện địa phương; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò của giáo dục STEM. Nhà trường hướng dẫn giáo viên sử dụng hiệu quả nguồn học liệu và tổ chức lựa chọn tài liệu, các nguồn học liệu khác theo quy định. Ban giám hiệu nhà trường thống nhất với các đồng chí tổ trưởng, khối trưởng chuyên môn về nội dung chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn, việc triển khai thực hiện giáo dục STEM cấp tiểu học theo Chương trình GDPT 2018, đồng thời bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học; cách thiết kế bài dạy STEM; tổ chức hoạt động học tập cho học sinh; sử dụng thiết bị, phương tiện dạy học; phương pháp dạy học...
Trường Tiểu học Nam Dương là một trong hai trường tiểu học của huyện Nam Trực được chọn thực hiện dạy học thí điểm STEM cho học sinh từ năm học 2022-2023. Kết quả bước đầu đã xây dựng được đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, luôn tìm tòi, sáng tạo, thường xuyên trau dồi kiến thức về giáo dục STEM; học sinh đã biết liên kết kiến thức về Toán học, Khoa học, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Hoạt động trải nghiệm... qua những “Bài học STEM” vận dụng để tạo ra một số sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống một cách sáng tạo. Tiếp nối thành công đó, năm học 2023-2024, trường tiếp tục tổ chức giáo dục STEM tới tất cả các khối lớp. Quá trình triển khai, trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời, tuyên truyền qua các kênh truyền thông, mạng xã hội như zalo, fanpage, website, đặc biệt, qua tổ chức các sự kiện khai giảng, hội nghị cha mẹ học sinh... về tầm quan trọng, sự cần thiết để học sinh tiếp cận STEM tới học sinh, các bậc phụ huynh, các tầng lớp nhân dân cùng hiểu, cùng đồng hành với nhà trường. Cùng với công tác truyền thông, đầu năm học, trường tham mưu địa phương đầu tư xây dựng các phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng để đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó có giáo dục STEM. Trường cử cán bộ, giáo viên có năng lực chuyên môn đi tập huấn STEM làm lực lượng nòng cốt rồi về tiếp tục tập huấn cho toàn bộ giáo viên trong trường. Sau đó, các giáo viên chia theo từng khối lớp để tìm hiểu sâu hơn về các bài học STEM ứng với từng khối, thực hiện giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc mà giáo viên còn băn khoăn, chưa hiểu rõ. Qua mỗi buổi tập huấn, giáo viên trong trường đã hiểu rõ hơn về STEM, cách thức xây dựng bài học STEM, gắn liền với nội dung từng bài học ở các môn liên quan. Dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường, các khối lớp đã xây dựng kế hoạch giáo dục STEM đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.
Trên cơ sở phân phối chương trình STEM các khối lớp, giáo viên xây dựng các chủ đề STEM với 4 chủ đề trên mỗi khối lớp trong một năm học phù hợp với nội dung giáo dục, các hoạt động giáo dục và điều kiện của nhà trường. Ngoài hình thức chính bài dạy STEM thì kế hoạch giáo dục STEM được tổ chức thông qua các hoạt động trải nghiệm STEM. Nội dung giáo dục STEM đã được các thầy, cô giáo tăng cường trong các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để xây dựng các bài dạy, nghiên cứu làm các sản phẩm mẫu chuẩn bị cho các tiết dạy rồi cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc. Cùng chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với giáo viên trong quá trình thực hiện, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên dự giờ, thăm lớp, khích lệ động viên các thầy, cô giáo và học sinh.
Hiệu quả bước đầu và những vấn đề cần quan tâm khi nhân rộng mô hình
Việc thực hiện chương trình giáo dục STEM cấp tiểu học đã hình thành thói quen học tập chủ động cho học sinh, biết vận dụng kiến thức đã học vào đời sống một cách sáng tạo, linh hoạt, từ đó vừa tiếp thu kiến thức nhanh hơn, sâu hơn, vừa rèn luyện thói quen tư duy độc lập trong học tập. Quá trình học, học sinh được thực hành ngay sau khi tiếp cận kiến thức. Những kiến thức được cho là “khó hiểu”, “khó nhớ” sẽ được minh họa bằng các ví dụ thực tế trở nên dễ nắm bắt. Song song với việc học kiến thức mới, học sinh có điều kiện tham gia vào các hoạt động thực hành để có được trải nghiệm sáng tạo trong thực tế, từ đó sẽ hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn những kiến thức đã học. Các tiết học sôi nổi, hứng thú, tích cực hơn khi thu hút sự quan tâm, chia sẻ giữa học sinh với nhau và giữa giáo viên với học sinh. Về lâu dài, những hoạt động thực hành trên lớp, hoặc ứng dụng ở nhà… sẽ tạo dựng một nền kiến thức không chỉ cơ bản mà còn linh hoạt, tạo nên những học sinh tích cực, mạnh dạn. Thầy Phạm Hữu Phúc, Trường Tiểu học Hải Cường, người đồng hành cùng học sinh từ giờ học đến Hội thi Phát triển năng lực các cấp chia sẻ: “Sau 1 năm triển khai bài học STEM, học sinh thêm sáng tạo, mạnh dạn, tự tin và hào hứng trong học tập. Mỗi giờ học STEM đã hiện thực hóa việc học đi đôi với thực hành, kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong hoạt động dạy học ở nhà trường, giúp học sinh củng cố kiến thức, hình thành kỹ năng, phát triển phẩm chất, năng lực”.
Theo đánh giá của các nhà trường, việc đưa giáo dục STEM vào cấp tiểu học đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp định hướng đổi mới GDPT: Nâng cao hứng thú học tập; hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh; giúp các thầy, cô giáo tiếp cận phương pháp giáo dục mới hướng tới từng học sinh, gắn lý thuyết với thực tiễn trong dạy học theo chủ đề, tất cả học sinh có cơ hội tham gia tích cực vào quá trình học tập... Đặc biệt, học sinh đã sớm hình thành được các kỹ năng quan trọng như biết sử dụng, quản lý, đánh giá các sản phẩm mình làm ra, tích cực hợp tác, chăm chỉ học tập, trung thực, có trách nhiệm khi nhận nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, còn giúp các em hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống, khám phá tiềm năng của bản thân, yêu thích khám phá khoa học. Những sản phẩm STEM do các em học sinh làm ra có tính ứng dụng trong đời sống giúp các em hiểu được ý nghĩa, vai trò của việc học tập. Giáo dục STEM trong trường tiểu học đã đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện giáo dục STEM cấp tiểu học, các trường cũng gặp không ít khó khăn: về cơ sở vật chất, thiết bị cho giáo viên và học sinh thực hành; tài liệu phục vụ giáo dục STEM còn hạn chế, và một số ít phụ huynh chưa hiểu rõ được nội dung giáo dục STEM. Một số trường có sĩ số học sinh/lớp cao, do đó, gặp khó khăn trong việc chuẩn bị vật liệu cho bài học STEM. Một số trường chưa có phòng Khoa học công nghệ nên hiệu quả của các tiết học STEM chưa cao...
Từ thực tiễn triển khai, thầy Vũ Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Dương chia sẻ: Để mỗi bài học STEM đạt hiệu quả thì trước tiên mỗi giáo viên cần xác định được kiến thức nền của môn học chủ đạo và các môn học bổ trợ, từ đó sẽ xây dựng các kế hoạch bài dạy. Giáo viên có thể tự làm các sản phẩm mẫu để hướng dẫn và cho học sinh tham khảo. Và điều quan trọng, sau khi thực hiện giảng dạy từng chủ đề thì mỗi giáo viên phải tự đánh giá, rút kinh nghiệm từ đó điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng học sinh trong lớp mình.
Ngoài ra, trong từng tiết dạy STEM, các thầy, cô giáo luôn tìm cách đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh khám phá kiến thức từ những hình ảnh gần gũi, dễ hiểu nhất để các em dễ dàng tiếp cận, tạo hứng thú học tập và nuôi dưỡng năng lực sáng tạo, sáng chế khoa học cho mỗi học sinh. Đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm đã được áp dụng hiệu quả tại các trường bạn.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin