Năm 2024, dân số của Nam Định trên 1.894.200 người, đông thứ 12 so với cả nước. Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của cơ quan chuyên trách công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) từ tỉnh đến cơ sở, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến thay đổi hành vi dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh tổ chức tập huấn cho đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở. |
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 15/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác dân số như Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 14/12/2017 của Tỉnh ủy; Kế hoạch 17/KH-UBND ngày 1/2/2018 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, công tác truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi dân số cho nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức: trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn và cộng tác viên dân số, lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, truyền thông kỹ thuật số trên internet và mạng xã hội... Tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, cơ quan, đơn vị và địa phương về công tác dân số trong tình hình mới với đa dạng hoá các hình thức để phù hợp với từng nhóm đối tượng và phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, doanh nghiệp.
Năm 2024, Chi cục Dân số, Trung tâm Y tế huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức trên 50 hội nghị truyền thông vận động các cá nhân tham gia xã hội hoá cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Y tế, Bản tin Sức khỏe tỉnh Nam Định, tài khoản Facebook “Dân số Nam Định”, đài phát thanh cấp huyện, đài truyền thanh xã duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền công tác dân số và phát triển như: mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ luỵ và giải pháp; tuyên truyền về mô hình câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên giúp nhau làm kinh tế giỏi” trên địa bàn tỉnh; công tác dân số vùng biển và ven biển; các sự kiện về dân số và phát triển...
Các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đưa công tác dân số vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị và quy ước, hương ước của thôn, làng, tổ dân phố,... coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua, xếp loại, đánh giá, bình xét công nhận “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá”... Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tiếp tục duy trì và xây dựng các mô hình câu lạc bộ chi hội, tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành nâng cao chất lượng, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về KHHGĐ/sức khoẻ sinh sản; tầm soát các dị dạng, bệnh, dị tật bẩm sinh; chủ trì phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án thuộc lĩnh vực dân số - KHHGĐ... Quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số. Trong năm đã tổ chức tập huấn cập nhật chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ dân số, gia đình và trẻ em các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tập huấn cho cộng tác viên dân số các huyện: Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Hải Hậu và thành phố Nam Định; tổ chức 10 hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng và phát triển mạng lưới tình nguyện viên tại các huyện, thành phố về: theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ, quản lý bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho người cao tuổi; tập huấn cho 100% cán bộ chuyên trách và cộng tác viên ở thôn, xóm, tổ dân phố và viên chức Phòng Dân số - Trung tâm Y tế cấp huyện về Chương trình điều chỉnh mức sinh tỉnh Nam Định đến năm 2030; tập huấn cho 1.000 cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số về kỹ năng tư vấn, theo dõi đối tượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ .
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, bằng những giải pháp thiết thực, đồng bộ, năm 2024, công tác Dân số - KHHGĐ đã đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu dân số theo độ tuổi thay đổi theo hướng tích cực, chất lượng dân số được nâng lên. Tỷ suất sinh giảm 0,39%0 so với năm 2023; Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 0,56%. Tỷ số giới tính khi sinh 112,8 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 38,3% tổng số bà mẹ mang thai trong năm 2024. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 81,6% tổng số trẻ em sinh ra trong năm 2024… Thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ước đạt 96,5% kế hoạch được giao. Chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh từng bước được mở rộng, tiến tới xã hội hoá cung cấp các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên toàn tỉnh, đưa các dịch vụ này trở thành hoạt động thường quy tại các cơ sở y tế; tình trạng sức khỏe sinh sản/KHHGĐ của vị thành niên/thanh niên, đặc biệt là thanh niên công nhân trong các khu công nghiệp, được cải thiện rõ rệt; lồng ghép truyền thông các nội dung về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho các đối tượng học sinh trong nhà trường.
Với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, thời gian tới các sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan và chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, triển khai các văn bản về công tác dân số và phát triển của Trung ương, UBND tỉnh. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm đạt mức sinh thay thế, kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh về công tác Dân số - KHHGĐ: kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030... Quan tâm đến chế độ, chính sách cho đội ngũ làm công tác dân số, nhất là cán bộ dân số cơ sở, để đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.
Bài và ảnh: Diệu Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin