Thời gian gần đây, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, không có giấy đăng ký phương tiện, không có giấy phép lái xe, vi phạm nồng độ cồn, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng... vẫn khá phức tạp. Những hành vi vi phạm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT). Theo thống kê từ 15/12/2023 đến nay, Công an tỉnh và các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 300 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Độ tuổi vi phạm từ 16 đến 17 tuổi chiếm tỷ lệ cao (32,1%). Trước thực trạng trên, việc nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh là rất cần thiết, nhằm xây dựng văn hóa giao thông trong các nhà trường và kiềm chế, kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí.
Cảnh sát giao thông hỏi - đáp học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường) kiến thức về an toàn giao thông. |
Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) cho biết: Để nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, ngay khi bước vào năm học mới 2024-2025, Sở GD và ĐT đã tổ chức Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về ATGT và tập huấn công tác tuyên truyền về ATGT trong trường học năm học 2024-2025 tại Trường THPT Mỹ Lộc (thành phố Nam Định), thu hút sự tham gia của hàng trăm cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác ATGT các Phòng GD và ĐT, các trường THCS trong toàn tỉnh và học sinh lớp 10 Trường THPT Mỹ Lộc. Tại buổi lễ, các nội dung được triển khai gồm: Tuyên truyền pháp luật về ATGT đường bộ và hướng dẫn kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn; cung cấp tài liệu tuyên truyền, giáo dục ATGT cho các cơ sở giáo dục (CSGD); thảo luận các giải pháp bảo đảm TTATGT; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, CSGD đối với công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh...
Cùng với tổ chức lễ phát động và tập huấn, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các CSGD tăng cường các hoạt động nhằm đảm bảo TTATGT trong năm học mới. Trong đó, chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, nhất là vào các đợt nghỉ Quốc khánh 2/9, khai giảng năm học mới, tết và lễ hội xuân, nghỉ hè.., nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Tổ chức ký cam kết, giao ước thi đua đảm bảo ATGT giữa các CSGD; giữa nhà trường với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên; giữa nhà trường với học sinh, phụ huynh học sinh. Triển khai sử dụng tài liệu giáo dục ATGT phù hợp với từng đối tượng học sinh từ mầm non tới THPT theo hướng dẫn; tổ chức thực hiện dạy học tích hợp nội dung giáo dục ATGT trong các giờ học. Phối hợp chính quyền, Ban ATGT tỉnh, công an và các ngành liên quan tại địa phương triển khai các chương trình, các hoạt động về công tác ATGT như: “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9”; tổ chức hoạt động mít tinh vào Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT tháng 11; triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT ở khu vực cổng trường học; thực hiện rà soát, có giải pháp quản lý không để học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe mô tô, xe máy dưới 50cm3, xe máy điện, xe đạp điện đến trường.
Đặc biệt, Sở chỉ đạo các CSGD tổ chức dịch vụ đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; phối hợp với đơn vị kinh doanh vận tải, các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình, điều kiện quy định đảm bảo an toàn đối với hoạt động đưa đón học sinh.
Tại các CSGD đã phát động, triển khai, tham dự các chương trình, cuộc thi về ATGT do các cấp, các ngành tổ chức như: Chương trình Tôi yêu Việt Nam; chương trình giáo dục “ATGT cho nụ cười trẻ thơ”; cuộc thi “ATGT cho nụ cười ngày mai”... Nhân rộng, triển khai các mô hình về ATGT phù hợp tình hình thực tế đơn vị như: mô hình “Cổng trường ATGT”, mô hình “Tuyến đường ATGT”, mô hình phối hợp “Nhà trường - Gia đình - Xã hội” trong giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh và các mô hình về ATGT khác, nhằm xây dựng ý thức chấp hành pháp luật giao thông và hình thành những thói quen tốt cho học sinh khi tham gia giao thông. Tiêu biểu như Trường THCS Hàn Thuyên (thành phố Nam Định), ngay khi bước vào năm học mới đã tổ chức ký cam kết với giáo viên, học sinh, phụ huynh về việc chấp hành quy định ATGT. Khi xây dựng kế hoạch giáo dục các môn học đầu năm học, trường chỉ đạo các tổ chuyên môn lồng ghép kiến thức giáo dục ATGT vào các tiết dạy phù hợp với từng khối lớp, gắn học lý thuyết với thực hành, dạy học bằng các mô hình trực quan, hình ảnh, giúp các em dễ dàng tiếp thu các quy định ATGT. Bên cạnh đó, trường đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, TTATGT trong học đường để các em được tiếp cận thông tin theo các cách thoải mái “học mà chơi, chơi mà học”, dễ tiếp thu, trở thành những công dân có ý thức tốt, có trách nhiệm khi tham gia giao thông. Trường cũng thường xuyên khen ngợi, nêu gương những học sinh tiêu biểu, có ý thức khi tham gia giao thông vào giờ sinh hoạt lớp và sinh hoạt dưới cờ đầu tuần để động viên chung. Đồng thời xây dựng nhiều chương trình giáo dục ATGT học đường, tiêu biểu như: Buổi “Sinh hoạt dưới cờ” tháng 10 với chủ điểm “Hội vui học tập”, nhà trường
phối hợp Công an thành phố Nam Định và Công an phường tổ chức buổi tuyên truyền chủ đề “Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về ATGT” cho học sinh toàn trường. Với mong muốn “Mỗi học sinh là một chiến sĩ nhỏ tuyên truyền về các tệ nạn xã hội, ATGT”, Ban giám hiệu chỉ đạo Liên Đội trường xây dựng các “Đội tuyên truyền măng non”, “Đội sao đỏ”, “Đội xung kích” ngay từ đầu năm học đã phối hợp Công an phường và Đoàn Thanh niên phường xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT” để giữ gìn TTATGT tại cổng trường vào giờ tan học.
Cùng với đẩy mạnh giáo dục ATGT cho học sinh, nhiều trường còn có cách làm sáng tạo trong triển khai các biện pháp đảm bảo TTATGT như: phát động phong trào mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường phải là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo trong việc thực hiện đúng, nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ; cải thiện mô hình “Cổng trường ATGT”... Tại Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Xuân Trường), ngay khi bước vào năm học mới, trường tổ chức cho học sinh, phụ huynh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; phối hợp đội Cảnh sát giao thông Công an huyện tổ chức buổi ngoại khóa tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT cho học sinh. Trường tổ chức dạy tích hợp, lồng ghép trong giờ dạy các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Trải nghiệm hướng nghiệp; qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đoàn; tích cực cải thiện mô hình “Cổng trường ATGT”; chỉ đạo Ban quản sinh, Đội thanh niên xung kích phối hợp bộ phận bảo vệ hướng dẫn, phân luồng để tránh ùn tắc, xung đột giao thông trước khu vực cổng trường vào các giờ học sinh đến và tan trường. Đoàn Thanh niên nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trong các buổi “Sinh hoạt dưới cờ”, đăng trên bảng tin nhà trường, kẻ vẽ băng rôn, khẩu hiệu, thi báo tường, phát thanh hàng tuần, phát động đoàn viên tham gia đầy đủ các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về ATGT do các cấp phát động hàng năm. Ban ATGT, Đội thanh niên xung kích, Đội phân luồng giao thông trường liên tục theo dõi, quản lý, nhắc nhở học sinh đội mũ bảo hiểm có dấu hợp quy CR khi đi xe máy điện, xe đạp điện; nghiêm cấm học sinh chưa đủ 16 tuổi đi xe điện, xe máy đến trường. Em Bùi Hoàng Anh, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Trường Thúy chia sẻ: “Các chương trình giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng tham gia giao thông an toàn của nhà trường giúp chúng em hiểu biết hơn về Luật Giao thông đường bộ, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, sự tự tin khi tham gia giao thông”.
Cùng với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ATGT cho học sinh, nhiều trường còn thành lập các đội, nhóm tham gia giữ gìn TTATGT trên các đường trước cổng trường rất hiệu quả, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, kiềm chế, kéo giảm các vụ vi phạm về TTATGT. Tiêu biểu như các trường: Tiểu học Nam Giang, Tiểu học Nam Dương (Nam Trực); THCS Trần Đăng Ninh, THCS Phùng Chí Kiên, THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định), THPT Trần Văn Bảo (Nam Trực), THPT A Hải Hậu (Hải Hậu)...
Việc giáo dục ATGT trong trường học không chỉ giúp học sinh được trang bị những kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT, mà còn góp phần hình thành nhân cách, những năng lực cần thiết cho thế hệ trẻ để xây dựng một xã hội giao thông an toàn, văn minh.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin