Hiệu quả tích cực từ thực hiện cơ chế tự chủ trong các bệnh viện công lập

08:00, 02/12/2024

Với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Y tế là ngành tiêu biểu về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Các bệnh viện (BV) công lập đã chủ động chuyển đổi cơ chế hoạt động, tích cực khai thác nguồn thu hợp pháp, đổi mới cơ chế quản lý tài chính hiệu quả trong đơn vị; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ công có chất lượng cao; từng bước nâng cao thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, tăng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển đơn vị.

Bệnh viện Phụ sản Nam Định đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Bệnh viện Phụ sản Nam Định đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 BV và 8 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện, thành phố (khối khám, chữa bệnh (KCB) được UBND tỉnh giao triển khai phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên, gồm các BV: Đa khoa huyện Hải Hậu, Nhi, Phụ sản, Y học cổ truyền, Đa khoa tỉnh, Mắt, Nội tiết, Phổi và tất cả các TTYT huyện, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc BV Phụ sản Nam Định cho biết: Khi được giao thực hiện cơ chế tự chủ, đơn vị đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như sự cạnh tranh của các cơ sở y tế tư nhân có phòng sinh tại địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh xung quanh ngày càng gia tăng, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân có cơ sở vật chất, phòng điều trị mới. Điều này gây khó khăn cho BV duy trì nguồn bệnh nhân ổn định khi phải hoàn toàn tự chủ tài chính. Việc cung ứng một số thuốc thiết yếu và vật tư y tế dù công tác tổ chức đấu thầu đã thực hiện đúng quy định vẫn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất kỹ thuật, một số trang thiết bị đã lạc hậu, cần phải thay mới. Để từng bước “gỡ nút thắt”, BV Phụ sản Nam Định tăng cường công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu mới; tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng BV “xanh - sạch - đẹp”. Đến nay BV đã triển khai được một số dịch vụ KCB theo yêu cầu như: chiếu tia plasma lạnh điều trị vết thương, xét nghiệm G6PD; TSH, PKU, galatose, 17OH-P bằng lấy máu gót chân trẻ sơ sinh nhằm sàng lọc các bệnh lý bẩm sinh,... đẩy mạnh thực hiện một số kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như: nội soi cắt tử cung bán phần, nội soi buồng tử cung, nội soi bóc u xơ tử cung,...

Được chọn tham gia Dự án BV vệ tinh của BV Phụ sản Trung ương, nhiều năm nay BV đều cử các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh tham gia các lớp đào tạo của Dự án BV vệ tinh. Trong đó đã có 61 học viên học trực tiếp tại BV Phụ sản Trung ương và 5 lớp tổ chức tại tỉnh. Các học viên được cử đi học về đã áp dụng thực hiện tốt các kỹ thuật được chuyển giao như: phẫu thuật nội soi nâng cao, phẫu thuật nội soi cơ bản, giảm đau trong đẻ, hồi sức sơ sinh, soi đốt cổ tử cung, xét nghiệm tế bào, siêu âm nâng cao, phẫu thuật nội soi buồng tử cung. Đến nay, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm khoảng 30% so với năm 2013. Năm 2025, BV tiếp tục cử học viên đi đào tạo tại BV Phụ sản Trung ương một số kỹ thuật như: Phẫu thuật nội soi nâng cao, phẫu thuật nội soi buồng tử cung, xử trí và dự phòng các tai biến trong chuyển dạ, hồi sức cấp cứu sơ sinh, phẫu thuật TOT, TVT…

Bác sĩ Đặng Xuân Ngọc, Giám đốc BV Mắt Nam Định cho biết: Thời gian qua, thực hiện cơ chế tự chủ, cán bộ, nhân viên của BV đã thực hiện hiệu quả phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” với phương châm “Bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. BV đầu tư nhiều trang thiết bị công nghệ cao như: máy phẫu thuật Phaco, máy chụp OCT, máy đo thị trường, máy laser quang đông, máy laser YAG, máy siêu âm AB… Ước năm 2024, BV Mắt Nam Định KCB cho 40 nghìn lượt bệnh nhân; khám dự phòng 10 nghìn lượt người; bệnh nhân điều trị nội trú 9.000 lượt người; tiến hành 8.635 ca phẫu thuật các bệnh về mắt. Chỉ tính 9 tháng năm 2024, Bệnh viện thu 39,312 tỷ đồng; trong đó, thu từ nguồn bệnh nhân viện phí (bao gồm cả phần đồng chi trả của người bệnh bảo hiểm y tế) là 6,583 tỷ đồng, thu từ nguồn bệnh nhân bảo hiểm y tế trên 26 tỷ đồng, thu từ dịch vụ kinh doanh nhà thuốc BV 5,223 tỷ đồng; thực hiện tốt Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức được giữ ổn định. 

Tại BV Nội tiết tỉnh, đơn vị đã thực hiện đấu thầu các gói thầu mua sắm hoá chất xét nghiệm miễn dịch, điện giải, huyết học, HbA1C năm 2024-2025, đảm bảo đủ thuốc phục vụ nhu cầu điều trị. Phó Giám đốc BV Đoàn Trọng Thuyết cho biết: Thực hiện cơ chế tự chủ, BV không ngừng đổi mới thái độ, phong cách phục vụ để hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Quan tâm công tác đào tạo nhân lực, tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của BV Nội tiết Trung ương đối với việc đào tạo chuyên môn, phát triển thêm dịch vụ kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng KCB. Hoàn thiện Đề án thành lập khoa Hồi sức cấp cứu, phòng Điều dưỡng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sinh hoạt khoa học. Các chế độ, chính sách như phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật thực hiện đầy đủ theo Quyết định 73/QĐ-TTg, phụ cấp độc hại, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thường trực... được thực hiện một cách kịp thời.

Nghị quyết Trung ương số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch”. 

Thực tế triển khai việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh cho thấy, thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp các BV công lập chủ động hơn trong sử dụng các nguồn tài chính, có quyền điều tiết các khoản thu, chi hiệu quả, tăng huy động vốn và chủ động mở rộng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó cải thiện thu nhập nhân viên, phát triển kỹ thuật mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tiết kiệm ngân sách Nhà nước... Một số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính đã từng bước phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa huy động vốn để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động dịch vụ KCB. Một số đơn vị thực hiện liên kết theo hình thức bên liên kết đặt máy móc, trang thiết bị tại BV phục vụ công tác KCB; số tiền thu được từ hoạt động dịch vụ này trừ chi phí trực tiếp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, số còn lại phân chia theo tỷ lệ xây dựng trong đề án bổ sung nguồn kinh phí hoạt động. Các đơn vị áp dụng mô hình này như: BV Đa khoa tỉnh liên kết hoạt động máy siêu âm màu, máy X quang, máy xét nghiệm; TTYT huyện Trực Ninh liên kết đặt máy siêu màu 4 chiều; TTYT huyện Nghĩa Hưng đặt máy siêu âm, máy X quang, máy xét nghiệm sinh hóa và máy nội soi; BV Đa khoa huyện Hải Hậu liên kết đặt máy X quang kỹ thuật số, Máy chụp CT Scanner 1 dãy và máy siêu màu; TTYT huyện Ý Yên liên kết đặt máy X quang CR; TTYT huyện Xuân Trường góp vốn mua Máy siêu Dopper màu 4D; TTYT huyện Giao Thủy tham gia liên doanh, liên kết hệ thống X quang kỹ thuật số CR. Việc liên kết này giúp các đơn vị y tế ở địa phương khắc phục khó khăn về cơ sở thiết bị máy móc, người bệnh được KCB bằng các thiết bị, máy móc hiện đại tại chỗ đảm bảo nâng cao chất lượng khám và điều trị, giảm bệnh nhân có nhu cầu chuyển tuyến do yêu cầu thiết bị...

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các BV công lập, Sở Y tế đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với các BV tuyến Trung ương như: BV Bạch Mai, BV Hữu nghị Việt Đức, BV Nhi, BV Tim Hà Nội;... ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu cho nhân viên y tế. Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hoàng Thị Kim Yến cho biết: Hiện nay, BV thực hiện được 85% kỹ thuật đúng tuyến và 10% dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến. Tuy nhiên, một số kỹ thuật chuyên sâu thực hiện với tần suất thấp: nội soi tiêu hóa can thiệp, phẫu thuật ung thư, phẫu thuật cắt khối tá tụy,... Trong thời gian tới, BV tiếp tục cử cán bộ học tập tại các BV tuyến Trung ương cũng như mời chuyên gia tuyến trên về đào tạo tại chỗ theo hình thức cầm tay chỉ việc. Trong đó, BV tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu có tỷ lệ chuyển tuyến cao, như: bệnh tim mạch, mạch máu, bệnh lý đột quỵ (hiện nay tỷ lệ chuyển tuyến cao nhất khoảng 50-60%)...

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Trung Kiên: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý biên chế theo Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 28/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về quản lý và sử dụng biên chế tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2026, Sở Y tế tiếp tục rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý nhân lực giữa các khoa, phòng, các bộ phận để có phương án điều chỉnh chỉ tiêu số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp để đảm bảo mục tiêu giảm 3% chỉ tiêu công chức biên chế hành chính và 3,1% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo đúng quy định. 100% các đơn vị thuộc ngành Y tế đều giao biên chế theo đúng số lượng được cấp có thẩm quyền giao, không có đơn vị có số biên chế vượt quá biên chế được giao. Ngày 18/9/2024, Sở Y tế đã ban hành Thông báo số 1958/TB-SYT tuyển dụng 352 chỉ tiêu viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế năm 2024. Trong đó, chỉ tiêu tuyển dụng viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên (hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) là 270 chỉ tiêu của 8 đơn vị.

Thời gian tới, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển BV, TTYT giai đoạn 2024-2030; hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ thuật mới, sau đại học; đề xuất danh sách nhân viên, danh mục kỹ thuật mới cần đào tạo, phát triển trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, quyết định. Lãnh đạo đơn vị chủ động liên hệ, ký hợp đồng mời các chuyên gia hoặc kíp chuyên gia y tế về đào tạo tại đơn vị theo phương thức cầm tay chỉ việc, theo gói kỹ thuật phù hợp với mô hình bệnh tật và nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có của đơn vị.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com