Gỡ khó thi hành án tín dụng, ngân hàng

08:28, 06/12/2024

Hoạt động thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến tín dụng, ngân hàng (TDNH) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ thi hành án TDNH đạt được tăng theo từng năm; giúp đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, đảm bảo hoạt động ngân hàng của hệ thống tổ chức tín dụng an toàn và hiệu quả hơn. 

Cục Thi hành án dân sự tỉnh rà soát hồ sơ, thủ tục giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh rà soát hồ sơ, thủ tục giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Theo số liệu thống kê năm 2024, mặc dù số việc thi hành án cho tổ chức TDNH chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số việc phải thi hành án trong năm công tác (chỉ chiếm 2,89%), nhưng về giá trị, án TDNH chiếm tỉ lệ rất cao tới 77,59% trong số tiền phải tổ chức thi hành án. Mặt khác, 80% tài sản bảo đảm có khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý (vướng mắc về pháp lý, tài sản thay đổi hiện trạng, tài sản là động sản không xác định được...); 95% án TDNH phải thi hành bằng biện pháp cưỡng chế do người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, trong đó có 70% là cưỡng chế có sử dụng lực lượng bảo vệ. Điều này đã tạo ra áp lực rất lớn cho Chấp hành viên và cơ quan THADS trong việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ THADS của toàn hệ thống. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, thẩm định giá trị tài sản thế chấp khi cho vay của tổ chức tín dụng chưa sát với giá trị thực của tài sản dẫn đến việc cơ quan THADS xử lý tài sản bảo đảm, số tiền thu được chỉ đủ thi hành một phần nghĩa vụ của người phải thi hành án (dẫn tới tồn đọng án); tài sản tại thời điểm nhận thế chấp không thực hiện tại nơi có tài sản, đến giai đoạn xử lý tài sản mới phát hiện tài sản có vướng mắc về pháp lý, tài sản có tranh chấp mốc giới, tài sản là công trình xây dựng có một phần diện tích trên đất quy hoạch, đất hành lang giao thông..., tài sản hộ gia đình nhưng hồ sơ nhận thế chấp là cá nhân... làm kéo dài thời gian xử lý tài sản, có trường hợp phải yêu cầu tòa án giải quyết. Khó khăn trong việc không truy tìm được tài sản là động sản như xe ô tô, tàu thuyền... (dẫn đến tồn đọng án). Việc thẩm định giá đối với một số tài sản đặc thù còn gặp nhiều khó khăn như: cổ phần, vốn góp... Ngoài ra, người phải thi hành án luôn tìm mọi cách cản trở việc thi hành án; có trường hợp người phải thi hành án tạo tranh chấp giả liên quan đến tài sản bảo đảm hoặc lợi dụng vấn đề tôn giáo để khiếu kiện làm kéo dài quá trình xử lý tài sản.

Đồng chí Trần Việt Cường, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Xác định giải quyết các vụ việc án TDNH thường khó khăn nên Cục THADS tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng nghiệp vụ và tăng cường phối hợp với các tổ chức TDNH, các địa phương trong tỉnh để tổ chức thi hành. Trong đó, hàng năm Cục THADS tỉnh đã nghiêm túc triển khai đầy đủ kịp thời văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS; kịp thời ban hành văn bản rà soát, đôn đốc các vụ việc có điều kiện, đã ra quyết định thi hành án trên 1 năm nhưng chưa thi hành xong; hàng tháng theo dõi, tổng hợp báo cáo Cục trưởng chỉ đạo giải quyết đối với các vụ việc có điều kiện thi hành giá trị trên 100 triệu đồng; rà soát, tập trung tổ chức thi hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản đặc thù là tàu cá vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ. Chỉ đạo phòng nghiệp vụ tổng hợp khó khăn, vướng mắc thường gặp phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, xây dựng thành Bộ tài liệu tình huống giải đáp nghiệp vụ giúp chấp hành viên có tài liệu tham khảo, áp dụng giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở; chỉ đạo lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó xác định trọng tâm là những vụ việc liên quan đến hoạt động TDNH giá trị lớn, quá trình tổ chức thi hành chưa đảm bảo tiến độ. 

Bên cạnh đó, toàn ngành THADS tỉnh tăng cường mối quan hệ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng tín dụng theo quy chế phối hợp trong công tác THADS để xử lý các vấn đề vướng mắc, các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, nhất là các vụ án có giá trị lớn. Các Chi cục chủ động phối hợp với các cơ quan khối Nội chính, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều hội nghị liên ngành, kịp thời trao đổi, bàn bạc giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thường xuyên báo cáo, tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo THADS. Trường hợp vướng mắc có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Cục THADS và Ban Chỉ đạo THADS tỉnh Nam Định. Xét thấy cần thiết, Cục THADS tỉnh sẽ ra quyết định rút hồ sơ, trực tiếp tổ chức thi hành. 

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp đã giúp ngành THADS tỉnh xử lý dứt điểm, hiệu quả và đúng quy định các vụ việc TDNH. Năm 2024, ngành THADS tỉnh phải thi hành là 246 việc liên quan đến TDNH tương ứng với số tiền trên 2.243 tỷ đồng. Đã giải quyết xong 18 việc, thu được trên 46 tỷ 898 triệu đồng/76 tỷ 183 triệu đồng (tăng 50% về việc và 21,6% về tiền so với cùng kỳ năm 2023). Để công tác thi hành án liên quan đến các tổ chức TDNH đạt được kết quả cao hơn, thời gian tới, ngành THADS tỉnh tiếp tục tập trung quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án liên quan đến TDNH. Cục THADS tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo hướng dẫn cơ quan THADS địa phương giải quyết kịp thời, đảm bảo các bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án phải được tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật. Tiếp tục chỉ đạo chấp hành viên, cơ quan THADS bám sát hồ sơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định và các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tổ chức các đoàn kiểm tra, phúc tra việc thi hành án liên quan đến TDNH tại những đơn vị có lượng án TDNH lớn, khó khăn, vướng mắc để kịp thời hướng dẫn, đôn đốc thi hành... Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức TDNH phối hợp với các cơ quan THADS trong việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; hỗ trợ cơ quan THADS trong việc tiếp nhận trông coi, bảo quản tài sản sau khi kê biên, tìm và giới thiệu khách hàng mua tài sản để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá; chủ động phối hợp cùng cơ quan THADS và chấp hành viên tìm biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng hồ sơ thi hành án.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com