Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh triển khai kịp thời, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), phòng ngừa tai nạn giao thông, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý đóng các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn thành phố Nam Định. |
Mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển đa dạng, phục vụ thuận lợi trong kết nối vùng, liên vùng và nhu cầu đi lại của nhân dân”. Đến nay, hệ thống đường bộ có tổng chiều dài trên 12 nghìn km, gồm 1 tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, 5 tuyến đường quốc lộ, 13 tuyến đường tỉnh, hàng trăm tuyến đường huyện và hàng nghìn trục đường liên thôn, liên xã. Trong những năm qua, hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng; tuy nhiên phương tiện tham gia giao thông vẫn tiếp tục tăng nhanh; các tuyến quốc lộ hiện cơ bản mới được đầu tư là cấp 3, cấp 4 đồng bằng, 2 làn xe hỗn hợp, có nhiều điểm xung đột giao thông, lòng đường chật hẹp, nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông cao. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường giao thông nông thôn có nhiều điểm giao cắt đường bộ và đường sắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông… Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh dài 41,15km, hiện có 44 đường ngang, 53 lối đi tự mở (giảm 15 lối đi tự mở so với cuối năm 2023). Đường sắt nằm song song với Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, qua nhiều khu dân cư nên có sự tác động làm ảnh hưởng không nhỏ đến TTATGT… Đường thủy nội địa có 257km sông do Trung ương quản lý, gồm sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào, kênh Quần Liêu và 268km sông do địa phương quản lý. Trên tuyến đường thuỷ có 3 cảng biển, 6 cảng sông, 130 bến thủy nội địa, 83 phà, bến khách ngang sông đang hoạt động trên 4 tuyến sông chính: sông Đào, sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đáy. Hiện hệ thống luồng, tuyến trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo tốt, không có vụ việc đột xuất, bất ngờ. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn còn lén lút diễn ra trên một số tuyến sông, nhất là tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh lân cận, các tuyến sông nhánh thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa… Tình hình tội phạm hoạt động trên tuyến, phương tiện giao thông và ven sông còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp...
Thượng tá Nguyễn Thanh Tuyền, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã tích cực tham mưu cấp trên, đồng thời triển khai, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm TTATGT, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời tập trung quán triệt, tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ; triển khai quyết liệt các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, quá tải, tốc độ; nâng cao chất lượng công tác đăng ký, quản lý chặt chẽ phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; yêu cầu cán bộ, chiến sĩ cam kết chấp hành nghiêm quy trình, quy chế công tác, thượng tôn pháp luật, gắn trách nhiệm của chỉ huy, lãnh đạo phụ trách tuyến, địa bàn nếu xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Trong đó đã tổ chức 5.839 lượt tuyên truyền lưu động trên các tuyến, địa bàn, tại các khu vực tập trung khu đông dân cư, khu vui chơi giải trí, khu vực cổng trường học, khu công nghiệp; nội dung gồm các quy định của pháp luật về TTATGT, tình hình tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông, việc chấp hành và xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong người có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Tuyên truyền, phổ biển, giáo dục 99 buổi cho 78.999 lượt giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh; tổ chức ký cam kết với 100% cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh các nhà trường về việc chấp hành TTATGT. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Giao thông, Truyền hình ANTV… tuyên truyền hàng chục bài viết, phóng sự liên quan đến lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ; hoạt động đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tại các bến đò chở khách ngang sông; lực lượng CSGT giúp đỡ người dân phòng, chống mưa bão, ngập lụt. Hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, các nhóm Zalo kết nối đến từng hộ gia đình, người dân được chú trọng, thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, Phòng CSGT tổ chức tuyên truyền, dán số điện thoại của các đội CSGT phụ trách các tuyến, địa bàn tại các điểm dừng xe bus, các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách để người dân biết, phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT, các tiêu cực của lực lượng thi hành công vụ khi cần…
Trên lĩnh vực tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, trong 11 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản 18.609 trường hợp, phạt tiền hơn 51 tỷ đồng; tước 6.365 giấy phép lái xe; tạm giữ 6.836 phương tiện. Trong đó trên lĩnh vực đường bộ đã lập biên bản 18.231 trường hợp; phạt tiền hơn 49 tỷ đồng. Trên lĩnh vực đường sắt đã xử lý 55 trường hợp vi phạm an toàn đường sắt, phạt tiền 54,6 triệu đồng. Trên lĩnh vực đường thủy nội địa đã lập biên bản xử lý 288 trường hợp với 384 lỗi vi phạm, phạt tiền hơn 792 triệu đồng… Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của lực lượng CSGT và các cơ quan, đơn vị liên quan, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh đang có những chuyển biến tích cực. Trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 277 vụ tai nạn giao thông, chủ yếu trên đường bộ, làm chết 164 người, bị thương 159 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tại nạn giao thông giảm 7,3%, số người chết giảm 1,2%, số người bị thương giảm 15%.
Thời gian tới, lực lượng CSGT Công an Nam Định tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo đảm TTATGT. Tiếp tục phối hợp liên ngành giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật TTATGT trong các cơ sở giáo dục, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên toàn tỉnh. Tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm các chuyên đề theo kế hoạch. Thường xuyên rà soát các điểm bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến, địa bàn, kiến nghị ngành chức năng khắc phục, xử lý kịp thời, đưa công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng nền nếp, hiệu quả.
Bài và ảnh: Xuân Thu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin