Trước thực trạng số lượng vụ việc dân sự trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng về số lượng và phức tạp về tính chất, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh đã khắc phục khó khăn, áp dụng đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, chú trọng hòa giải, đối thoại tại tòa… qua đó đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ các bản án, các quyết định bị hủy, sửa.
Hòa giải vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy. |
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, nổi lên là các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp di sản thừa kế, tranh chấp tài sản chung trong quan hệ vợ chồng, tranh chấp các hợp đồng tín dụng trong các vụ án kinh doanh thương mại… Đây là loại án phức tạp, các tranh chấp phát sinh diễn ra trong thời gian dài, các đương sự sinh sống ở các nơi khác nhau, thậm chí đang ở nước ngoài gây khó khăn cho tòa án trong việc báo gọi, triệu tập làm việc với đương sự; có trường hợp người được hưởng di sản thừa kế bị chết dẫn đến phải có sự tham gia tố tụng của người thừa kế chuyển tiếp hoặc thừa kế thế vị; một bộ phận người dân khi tham gia giao kết các hợp đồng dân sự còn hạn chế nhận thức pháp luật. Nhiều vụ việc TAND phải xây dựng hồ sơ từ đầu, từ việc nhận đơn khởi kiện, thu thập chứng cứ, tống đạt các văn bản cho các đương sự; người bị kiện cố tình không hợp tác, gây khó khăn cho tòa án khi được triệu tập hay thẩm định, định giá... dẫn đến việc xét xử mất nhiều thời gian và công sức.
Để công tác xét xử, giải quyết các vụ án dân sự được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được pháp luật bảo vệ, TAND hai cấp tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp; về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, TAND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong ngành phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và theo dõi đến tiến độ, chất lượng giải quyết từng vụ án cụ thể của các thẩm phán. Sau khi phân án cho thẩm phán, yêu cầu các thẩm phán phải lập kế hoạch giải quyết cụ thể đối với từng vụ án, báo cáo tiến độ giải quyết án; đối với những vụ án phức tạp, nhất là những vụ án liên quan đến đất đai, thẩm phán phải báo cáo những khó khăn, vướng mắc để đưa ra tập thể thẩm phán bàn bạc trao đổi, có hướng tháo gỡ kịp thời, tránh để vụ án quá lâu kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho đương sự. Mặt khác, lãnh đạo TAND tỉnh khắc phục những sai sót trong việc viết bản án dân sự sơ thẩm được phát hiện qua công tác xét xử phúc thẩm như: Bản án xác định không đúng hoặc bỏ sót người tham gia tố tụng; việc sửa chữa bổ sung bản án; bản án viết quá ngắn, viết quá dài và tuyên không rõ ràng… Đồng thời thường xuyên tập huấn cập nhật bổ sung kiến thức pháp luật cho thẩm phán; tổ chức cuộc thi viết bản án để các thẩm phán được rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng viết bản án, nhất là bản án dân sự sơ thẩm. Qua đó phát hiện những thẩm phán có năng lực trình độ, nhân rộng điển hình tiên tiến để các thẩm phán học hỏi trao đổi kinh nghiệm nâng cao trình độ, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết xét xử án dân sự.
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, lãnh đạo TAND tỉnh đã xác định công tác hoà giải là vấn đề then chốt và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp mà không phải xét xử. Do đó, hằng năm TAND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đến các đơn vị trực thuộc. Chỉ đạo các đơn vị TAND hai cấp chủ động phối hợp và thông qua hoạt động của tòa án để thực hiện tốt công tác truyền thông, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đến nhân dân, cơ quan, tổ chức. TAND tỉnh thành lập và thường xuyên kiện toàn đội ngũ hòa giải viên Trung tâm hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, các đơn vị tòa án đã thực hiện tốt việc lựa chọn người chủ trì công tác hòa giải; định hướng nội dung hòa giải; sự phối hợp giữa tòa án với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; thời gian hòa giải; địa điểm tổ chức hòa giải; các bước tiến hành hòa giải... Vì vậy, tỷ lệ hòa giải hằng năm đạt trên 63% tổng số án dân sự sơ thẩm đã giải quyết. Thông qua công tác tự hòa giải, các vụ án được giải quyết nhanh chóng, triệt để góp phần củng cố mối qua hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Ngoài ra, để bảo đảm công tác xét xử các vụ án dân sự, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng UBND tỉnh và TAND tỉnh, tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các Sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương trong công tác thu thập chứng cứ, thẩm định, định giá nên về cơ bản công tác xét xử các vụ án dân sự bảo đảm thời hạn tố tụng, đường lối xét xử, việc tạm đình chỉ các vụ án không có lý do đã được khắc phục.
Nhờ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp, chất lượng giải quyết, xét xử án dân sự được nâng cao. Năm 2024 (tính từ ngày 1/10/2023 đến 30/9/2024), TAND hai cấp đã giải quyết, xét xử 3.609/3.686 vụ việc dân sự, tỷ lệ 97,9%. Các vụ án đều được giải quyết đúng thời hạn luật định, đúng theo quy định của pháp luật, đáp ứng đầy đủ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trước yêu cầu về việc giải quyết các tranh chấp ngày càng gia tăng, TAND hai cấp tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đột phá của TAND tối cao để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự. Làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chuyên môn để giải quyết kịp thời các vụ án theo quy định của pháp luật. Đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua công tác giải quyết, xét xử. TAND tỉnh chủ động tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thẩm phán, thư ký để vận dụng linh hoạt trong công tác giải quyết các vụ việc, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin