Một địa chỉ "đỏ" chăm sóc trẻ em khuyết tật

09:23, 21/11/2024

Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự chia sẻ của cộng đồng xã hội, trong những năm qua, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định đã đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ khuyết tật, giúp các em có thêm động lực vượt qua khó khăn, có cơ hội hoà nhập cộng đồng.

Giờ học tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Trung tâm Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Nam Định.
Giờ học tại Khoa Giáo dục đặc biệt, Trung tâm Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Nam Định.

Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định được thành lập năm 1996, có chức năng chữa bệnh, dạy văn hoá, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, tự kỷ, câm điếc bẩm sinh, nhiễm chất độc da cam. Gần 30 năm hoạt động, Trung tâm đã đón nhận, chữa trị và dạy chữ cho gần 5.000 trẻ em khuyết tật các loại trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, có khoảng 50% trẻ em khuyết tật điều trị tại Trung tâm có tiến triển tốt, được phục hồi chức năng và hoà nhập cộng đồng. Từ năm 2010 đến nay, số trẻ mắc chứng tự kỷ đến Trung tâm có xu hướng tăng. Trung tâm đã tổ chức cho nhiều lương y, y tá, giáo viên đi học các lớp ngắn hạn các phương pháp điều trị phù hợp như châm cứu kết hợp dạy ngữ âm, dạy nói, dạy chữ cá nhân 1 cô - 1 trò. Đồng thời năm 2022, Trung tâm khai trương khoa giáo dục đặc biệt đón nhận trẻ từ 3-7 tuổi bị rối loạn phát triển, chậm nói, chậm nhận biết. Hiện Trung tâm có 2 khoa là Khoa tổng hợp và Khoa giáo dục đặc biệt. Trong đó, Khoa tổng hợp có hơn 30 em từ 7 đến 15 tuổi với các dạng khuyết tật khác nhau như: tự kỷ, rối loạn thần kinh, down, khiếm thính, động kinh, trí tuệ chậm phát triển. Khoa giáo dục đặc biệt có hơn 30 học sinh từ 3 đến 6 tuổi bị rối loạn phát triển đang theo học.

Ông Trần Hải, Giám đốc Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định cho biết: Trung tâm hoạt động phần lớn từ sự quan tâm của Thành uỷ,  UBND thành phố Nam Định, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Chia sẻ với hoàn cảnh của các em, đội ngũ lương y, giáo viên, nhân viên tại Trung tâm hoạt động tình nguyện, không nhận lương, luôn hết lòng với trẻ, quan tâm, sát sao từng học sinh. Nỗ lực trau dồi, học hỏi, cập nhật các kiến thức, kỹ năng để nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo điều kiện để các em có cơ hội được học tập, cải thiện về tâm sinh lý và phát triển thể chất. Nhiều lương y, giáo viên, nhân viên đã gắn bó với Trung tâm nhiều năm, coi các em học sinh ở đây như con của mình. Cô giáo Nguyễn Thị Tú là một trong những giáo viên đã gắn bó lâu dài tại Trung tâm với hơn 16 năm công tác. Trước đây cô Tú là lương y, sau đó có duyên biết đến trung tâm, cảm thương với số phận thiệt thòi của các em nên muốn giúp đỡ các em bằng khả năng của mình. Công việc của cô Tú là dạy trẻ khuyết tật, câm điếc, chậm vận động, không có khả năng nghe nói. Nhờ sự tích cực trong điều trị, giáo dục bằng nhiều phương pháp, nhiều năm qua, cô Tú giúp hàng chục học sinh khiếm thính bật được âm, biết giao tiếp, tiến triển tốt trong nhận thức, biết đọc, biết viết, làm các phép tính cơ bản. Cô Tú chia sẻ: “Công việc ở Trung tâm tuy nhiều vất vả, cá nhân tôi cũng gặp không ít khó khăn trong công tác bởi mỗi học sinh đến Trung tâm đều có hoàn cảnh và những khó khăn khác nhau. Song tôi luôn tâm niệm làm sao giúp các em phần nào tiến triển tốt hơn, thêm tự tin, bớt mặc cảm để vượt qua khó khăn, hoà nhập cộng đồng”. Nhiều học sinh được cô Tú dạy dỗ, điều trị đến khi có thể hoà nhập được và định hướng học nghề, có công việc, thêm thu nhập. Thấy các trẻ trưởng thành là động lực to lớn giúp cô Tú vượt qua khó khăn tiếp tục gắn bó với nghề. Cô mong muốn được điều trị các trường hợp khiếm thính nhiều hơn nữa, giúp các em được trang bị hành trang giao tiếp, nhận thức khi bước ra hoà nhập xã hội.

Cô giáo Đỗ Thị Trang hiện là Phó Khoa Giáo dục đặc biệt cũng là một trong những giáo viên tâm huyết với công việc tại Trung tâm. Tuy còn trẻ và có nhiều cơ hội lựa chọn các công việc khác, song bằng tình yêu con trẻ và tình thương với trẻ khuyết tật, kém may mắn trong cuộc sống, cô Trang đã về nhận nhiệm vụ và gắn bó với Trung tâm được gần 10 năm. Hàng ngày, cô Trang phụ trách dạy cá nhân 1 cô - 1 trò, tiếp đón phụ huynh, sắp xếp lịch học cho học sinh tại khoa. Cô Trang chia sẻ, học sinh ở khoa từ 3 đến 7 tuổi, đa phần khi đến Trung tâm như tờ giấy trắng, không có giao tiếp, ngôn ngữ, kém nhiều hành vi. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn cố gắng kiên trì giúp các em có thể bật âm bằng những hành động, lời nói, trò chơi được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Thời gian không tính bằng tuần mà tính bằng nhiều tháng, song cô Trang cũng không nản lòng. Khi thấy các con có thể bập bẹ gọi “cô ơi”... hay diễn tả mong muốn của bản thân, biết giao tiếp mắt, cô Trang vô cùng xúc động, có thêm động lực để tiếp tục đồng hành với các con.

Từ tình yêu thương vô bờ và tâm huyết với nghề của các bác sĩ, giáo viên, nhân viên tại trung tâm, hàng nghìn học sinh đã được tốt nghiệp, hoà nhập cộng đồng, được phát huy thế mạnh tiềm năng của bản thân. Em Trần Phương Anh, sinh năm 2013, xã Đại An (Vụ Bản) được gia đình đưa đến Trung tâm khi em 8 tuổi, tình trạng điếc sâu, một bên tai không đáp ứng máy trợ thính, không có ngôn ngữ, nhút nhát. Các cô giáo tại Trung tâm thường xuyên gần gũi, trò chuyện, tâm sự với Phương Anh để tạo niềm tin, giúp em hợp tác trong điều trị. Em được học cách hoạt động cơ cấu miệng, lưỡi, tập thổi, tập thở, xoa bóp bấm huyệt, tập giao tiếp bằng mắt, phát triển ngôn ngữ song song với phát triển nhận thức. Bằng sự kiên trì, nhẫn nại và tình yêu thương của các giáo viên, đến nay Phương Anh đã tự tin, hoạt bát hơn, biết đọc viết, vẽ tranh, làm thủ công... Em Trần Phương Loan ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), sinh năm 2013, bị trầm cảm từ nhỏ, nhút nhát, không có ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp kém, sinh hoạt không chủ động. Được mọi người giới thiệu và qua tìm hiểu, gia đình đưa em đến trung tâm gặp các giáo viên khi em 5 tuổi với mong muốn giúp em cải thiện ngôn ngữ, nhận thức. Tại trung tâm, Loan được trị liệu ngôn ngữ, điều chỉnh hành vi, học văn hoá. Từ khi chỉ là một cô bé nhút nhát, không biết cách giao tiếp với thầy cô, bạn bè, đến nay Loan đã trở nên mạnh dạn, biết làm toán tính, toán đố, giao tiếp cơ bản, biết giúp đỡ cô giáo trong các công việc sinh hoạt hàng ngày trên lớp. Bên cạnh điều trị ngôn ngữ, dạy văn hoá, các giáo viên tại Trung tâm sẽ định hướng cho các em đủ 12 tuổi được tốt nghiệp sẽ tiếp tục học nghề tại Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh Nam Định, với các nghề như: may, sửa xe, trang điểm, gội đầu... để có cơ hội tìm kiếm việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho bản thân.

Để mang lại niềm vui và động lực cho các em, Trung tâm thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm tặng quà cho các em nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, ngày Người khuyết tật Việt Nam... Trong các dịp lễ, tết, các em được đón nhận sự quan tâm, những tình cảm ấm áp, tấm lòng sẻ chia, những phần quà vật chất và tinh thần của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm. Qua đó phần nào bù đắp những thiệt thòi, khó khăn, giúp các em cảm nhận được sự chia sẻ, động viên của cộng đồng xã hội.

Dẫu con đường phía trước còn nhiều gian nan, vất vả, xong các cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định vẫn đang cần mẫn mỗi ngày giúp những trẻ em không may mắn có cơ hội được hoà nhập cộng đồng, để con đường phía trước của các em dần tươi sáng hơn.

Bài và ảnh: Diệu Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com