Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong công nhân lao động được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở.
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH Padmac Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). |
Công ty TNHH một thành viên giầy Thành Bách Việt Nam, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định) có 100% vốn đầu tư nước ngoài, trên 1.300 công nhân lao động trong đó 100% người lao động đều là đoàn viên Công đoàn. Trong những năm qua, Ban chấp hành công đoàn công ty triển khai nhiều hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua các hình thức như tổ chức hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề... Từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên nền tảng mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt tương tác; phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức tuyên truyền cho 100% công nhân lao động một số kỹ năng trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy. Bên cạnh đó, vào các dịp nghỉ lễ, Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (tháng 5) hàng năm, Công đoàn Công ty tích cực phát động phong trào xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, tuyên truyền phương pháp phòng, chống tệ nạn xã hội đến từng tổ, chuyền sản xuất; phân công thành viên ban chấp hành theo dõi, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh người lao động khi có dấu hiệu, hành vi vướng vào tệ nạn xã hội. Nhờ tích cực tuyên truyền, theo dõi, nắm chắc đời sống người lao động, nhiều năm qua, công ty không có người lao động vi phạm pháp luật, đời sống của người lao động ngày càng được nâng lên.
Để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong đoàn viên, công nhân lao động, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại Công đoàn cơ sở; tổ chức cho người lao động ký cam kết và thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn trong doanh nghiệp; tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng người lao động và tổ chức Công đoàn làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội… Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Công đoàn đã tổ chức hơn 100 hội nghị chuyên đề phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội với hàng nghìn lượt công nhân lao động tham gia; phát hành hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, xây dựng các cụm áp phích với nhiều nội dung tuyên truyền pháp luật về tệ nạn cờ bạc, ma túy, vay nặng lãi; phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Lao động và Công đoàn đăng tải hàng trăm phóng sự, phản ánh, chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để người lao động biết tự bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp.
Đặc biệt, các tổ chức công đoàn đều phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật, phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng cử thành viên Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tham gia hội nghị, hội thảo, tập huấn công tác tuyên truyền, phòng chống tệ nạn xã hội. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền trên các nền tảng xã hội như zalo, facebook nội bộ của các doanh nghiệp, tổ sản xuất, chuyền sản xuất đều hoạt động hiệu quả trong công tác tuyên truyền các tài liệu phòng, chống tệ nạn xã hội với nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Đặc biệt trong Tháng Công nhân năm 2024, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các hoạt động hướng về người lao động có lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp Công đoàn xây dựng chương trình tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội với nhiều chủ đề, nội dung khác nhau, trong đó chú trọng tuyên truyền các nội dung pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội đối với người lao động trong độ tuổi thanh niên, do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế... góp phần xây dựng hình ảnh người công nhân văn hóa, có nếp sống lành mạnh, không vi phạm các tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp, địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng như Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, ngân hàng, tư pháp tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tuyên truyền sâu, rộng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo tính lan tỏa trong các doanh nghiệp đã từng xảy ra đình công, lãn công, ngừng việc tập thể để người lao động và người sử dụng lao động sớm nhận biết những hành vi dẫn đến tệ nạn xã hội. Hàng năm, 100% người lao động tham gia ký kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội do Công đoàn tổ chức.
Thời gian tới, các cấp Công đoàn tiếp tục chú trọng chăm lo, nâng cao đời sống người lao động, đồng thời tăng cường các hình thức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, tích cực đào tạo, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt từ tỉnh tới cơ sở, có kỹ năng về tuyên truyền pháp luật để kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trong công nhân lao động, đồng thời tạo thuận lợi để doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, giữ gìn an ninh, an toàn trong đơn vị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin