Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân; đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật... Thời gian qua, huyện Xuân Trường đã đẩy mạnh xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Xã Thọ Nghiệp đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023. |
Bám sát chỉ đạo của UBND huyện Xuân Trường về công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, ngay từ đầu năm Phòng Tư pháp huyện đã triển khai các nhiệm vụ cụ thể như: Tham mưu với UBND huyện ban hành quyết định công nhận các xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Phối hợp với các cấp, ngành, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức hội, đoàn thể cụ thể hóa kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của huyện phù hợp với đặc thù của đơn vị, đảm bảo 100% người dân được tiếp cận các nội dung pháp luật mới liên quan trực tiếp đến cuộc sống...
Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL huyện, phối hợp với các thành viên Hội đồng xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL. Trong 9 tháng năm 2024, huyện đã tổ chức 52 cuộc PBGDPL trực tiếp với gần 5.700 lượt người tham gia, tập trung nội dung về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; căn cước công dân, BHXH; các văn bản, quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội… Phòng đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện thẩm định, tham gia ý kiến đóng góp vào hồ sơ công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Định kỳ tổ chức hội nghị giao ban công tác tư pháp, hướng dẫn cách chấm điểm, đánh giá tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; biên soạn tài liệu các quy định pháp luật về đất đai, an ninh trật tự, an toàn giao thông, quản lý và sử dụng pháo nổ, nghĩa vụ quân sự phát trong các hội nghị, tọa đàm của các xã, thị trấn... Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, chi nhánh Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước huyện và các tổ chức Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tổ chức hội nghị chuyên đề, lồng ghép, tọa đàm tuyên truyền, PBGDPL cho hàng trăm lượt hội viên, cán bộ và nhân dân ở 14 xã, thị trấn.
Các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể đã có nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật sáng tạo như: tổ chức tuyên truyền lưu động tại các địa bàn đông dân cư, lồng ghép trong các cuộc họp của thôn, trong các hoạt động đối thoại, tiếp dân và trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của đoàn thể. Mỗi tổ chức hội, đoàn thể đều chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu của đoàn viên, hội viên. Đối với Hội Phụ nữ, Ban chấp hành Hội xây dựng nội dung và hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua các hội nghị tổng kết, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, nội dung tuyên truyền chủ yếu là các văn bản luật về hôn nhân, gia đình, bảo vệ trẻ em. Đoàn Thanh niên phối hợp với đội tuyên truyền viên của huyện xây dựng nội dung tuyên truyền văn bản luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, nghĩa vụ quân sự, việc làm, bảo hiểm xã hội; phối hợp với Đoàn Thanh niên các trường học xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông… Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) hằng năm, 100% các đơn vị đều tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật như: treo băng rôn dọc các tuyến đường, nhà văn hóa, khẩu hiệu trên cổng ra vào trụ sở làm việc, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin của xã, thị trấn... Tất cả 14/14 xã, thị trấn đều phát động nhân dân tích cực tham gia mô hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn”, “Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy”, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện cũng được chú trọng thực hiện hiệu quả. Tại trụ sở UBND các cấp đều bố trí đội ngũ cán bộ hướng dẫn người dân làm các thủ tục và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Trong 9 tháng năm 2024, Phòng Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện kiểm tra tính pháp lý của 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ; 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực khoáng sản, giao thông đường thủy nội địa, hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm (so với cùng kỳ năm 2023 giảm 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính). Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định số 3627/QĐ-UBND ngày 16/7/2024 về công nhận tập huấn viên hoà giải ở cơ sở cấp huyện. Hiện nay huyện đã có 8 tập huấn viên được xây dựng từ nguồn cán bộ, công chức là những người có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Các xã, thị trấn tích cực kiện toàn, duy trì hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở. Toàn huyện có 173 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.363 hòa giải viên, là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền pháp luật của huyện. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổ hòa giải các xã, thị trấn đã tiếp nhận 22 vụ việc, hòa giải thành 10 vụ việc, đang giải quyết 4 vụ việc, chủ yếu là các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong khu dân cư thuộc các lĩnh vực đất đai, hôn nhân, gia đình…
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở Xuân Trường được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 14/14 (đạt tỷ lệ 100%) xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời khắc phục những hạn chế trong việc triển khai thực hiện. Qua đó, giúp giảm số vụ, việc vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện, kiềm chế các tệ nạn xã hội, không để phát sinh đơn, thư kiến nghị vượt cấp, khiếu kiện đông người, góp phần vào sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin