Trên địa bàn tỉnh, vẫn còn tình trạng học sinh dù chưa đủ 16 tuổi nhưng vẫn điều khiển xe máy điện đến trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Đã có không ít vụ va quệt, tai nạn giao thông xảy ra với lứa tuổi này khi sử dụng xe máy điện. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh còn khá thờ ơ với các quy định, “vô tình” để con em mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Công an huyện Nam Trực tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ cho học sinh Trường THCS Nam Cường. |
Với hình dáng thiết kế gọn, nhẹ, sử dụng tiện lợi, dễ điều khiển, giá cả phải chăng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, vận tốc tối đa từ 25km/giờ đến 60km/giờ, xe đạp điện, xe máy điện ngày càng được nhiều người lựa chọn sử dụng, đặc biệt là đối tượng học sinh. Tuy nhiên, do cấu tạo của xe đạp điện, xe máy điện độ ma sát của bánh xe với mặt đường kém nên rất dễ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao và ý thức tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện còn hạn chế, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT cho chính người điều khiển.
Trên địa bàn thành phố Nam Định và ở khu vực các trường học trên địa bàn tỉnh vào giờ tan trường, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm quy định về trật tự, ATGT. Các em đang trong độ tuổi mới lớn, muốn thể hiện bản thân nên không ít trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện có hành vi lạng lách, đánh võng, chạy dàn hàng ngang trò chuyện, chạy xe ngược chiều... Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân các em và những người xung quanh. Nguy hiểm hơn, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi xe vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh… dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, ngõ, ngách, nơi khuất tầm nhìn.
Chị Thanh Tú ở phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) cho biết: “Nhà tôi gần trường học, theo tôi quan sát, lượng học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện đến trường tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Bên cạnh những em tuân thủ quy định về ATGT thì còn một bộ phận không nhỏ học sinh vi phạm, có em ra khỏi sân trường là không đội mũ bảo hiểm nhưng phóng xe rất nhanh, dàn hàng ngang trên đường vô cùng nguy hiểm”. Còn bác Nguyễn Văn Việt ở thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chia sẻ: “Tôi nghĩ cần nghiêm cấm học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy điện bởi phương tiện này rất nguy hiểm nếu các em không chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Nhiều lần khi đang lưu thông trên đường, tôi bị giật mình phải phanh xe gấp vì gặp học sinh đi xe đạp, xe máy điện phóng nhanh, vượt ẩu, đặc biệt là khi các em đi từ trong cổng trường ra. Các em chưa nhận thức đầy đủ về ATGT nên rất dễ gây tai nạn”.
Thực tế, hầu hết phụ huynh khi mua xe đạp, xe máy điện cho con, em mình chỉ hướng dẫn các thao tác cơ bản, còn kiến thức về ATGT, xử lý tình huống thì ít nói tới. Chị Minh Hoa ở đường Phù Nghĩa (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Mặc dù biết con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy điện, nhưng vợ chồng tôi đi làm từ sáng sớm nên không thể đưa đón con đi học. Vì vậy, ngay từ khi con vào lớp 9, tôi đã mua xe máy điện để cháu tự đi học. Tôi cũng thường nhắc nhở con điều khiển xe cẩn thận, không được phóng nhanh và luôn phải đội mũ bảo hiểm…”. Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã triển khai tới các trường học trên địa bàn và thông tin tới phụ huynh học sinh. Theo đó, đề nghị các gia đình không giao xe máy điện, xe máy (kể cả dung tích dưới 50cm3) cho học sinh chưa đủ 16 tuổi để đến trường và khi tham gia giao thông. Có nhiều ý kiến trái chiều từ thực tế liên quan đến việc cấm học sinh đi xe máy điện đến trường khi chưa đủ tuổi. Chị Thanh Hảo, có con học tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định) cho biết: “Tôi biết việc cho con em đi xe điện khi chưa đủ tuổi là vi phạm, nhưng các cơ quan chức năng cũng nên cân nhắc, nghiên cứu sao cho phù hợp, có thể cấp giấy phép lái xe cho các cháu. Còn nếu cấm tuyệt đối như hiện nay quả thực rất khó cho người dân chúng tôi bởi nhà xa trường các con vẫn cần phải có phương tiện để đi lại”.
Lứa tuổi vị thành niên thường hiếu động, dễ có tình trạng lạng lách, đánh võng trên đường, tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. Không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà nguy hiểm hơn, nhiều em còn “độ” lại phương tiện. Từ một bình ắc-quy theo đúng quy chuẩn lắp ráp, xe đạp điện có thể được “hô biến” lên đến 2-3 bình ắc-quy và có thể đạt tốc độ tới 70-80km/h - tốc độ tương đương với một chiếc xe máy phân khối trung bình. Thế nhưng, người điều khiển xe lại chỉ là những học sinh chưa đến 18 tuổi - độ tuổi chưa được cấp giấy phép lái xe và cũng chưa hiểu biết đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ. Nguy cơ mất ATGT luôn tiềm ẩn. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16-18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 và xe đạp điện, xe máy điện. Có 70% số vụ tai nạn giao thông thương vong là do học sinh THCS đi xe đạp điện, xe máy điện gây ra. Ngoài ra, hiện nay có trên 50% số học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy. Đáng lo ngại là do thiếu hành lang pháp lý nên tình trạng học sinh phổ thông sử dụng xe máy điện đang gia tăng đáng báo động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Trước thực trạng vi phạm về trật tự ATGT của học sinh, đặc biệt là các em sử dụng xe máy điện, xe đạp điện, xe dưới 50cm3 vẫn còn diễn ra và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dẫn đến tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh đã phối hợp tuyên truyền pháp luật ATGT đến học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT, yêu cầu học sinh chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về ATGT, như luôn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng xe mô-tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện; tuyệt đối không đua xe, lạng lách, đánh võng, chạy xe hàng ba đùa giỡn, sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông… Tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về pháp luật giao thông đường bộ để người dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của việc bảo đảm trật tự ATGT nói chung, với xe đạp điện nói riêng, sớm hình thành và coi văn hóa giao thông là nếp sống, thói quen hàng ngày khi tham gia giao thông. Gắn trách nhiệm của gia đình cùng với nhà trường trong tuyên truyền, giáo dục học sinh tham gia giao thông đúng quy định của pháp luật.
Về phía gia đình, các bậc phụ huynh không nên chủ quan cho con em mình sử dụng xe điện khi còn quá nhỏ tuổi; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc hướng dẫn, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Lực lượng Công an cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp điều khiển xe đạp, xe máy điện vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Ngoài việc xử phạt hành chính theo quy định, cần tổng hợp, gửi thông báo về địa phương nơi cư trú của người điều khiển để có biện pháp giáo dục, răn đe. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra chất lượng xe lưu thông trên thị trường, đánh giá thông số kỹ thuật, chất lượng của các cơ sở kinh doanh định kỳ hàng năm, góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin