Tăng cường giáo dục giới tính cho học sinh

08:48, 11/10/2024

Lứa tuổi vị thành niên còn thiếu sự hiểu biết, kiến thức về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS). Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tăng cường giáo dục giới tính, nâng cao kiến thức CSSKSS cho học sinh nhằm giúp các em nâng tầm hiểu biết, tích lũy kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc sức khỏe và bảo vệ bản thân.

Giáo dục giới tính ngay từ nhỏ để trẻ bảo vệ bản thân đúng cách. (Tranh minh họa)
Giáo dục giới tính ngay từ nhỏ để trẻ bảo vệ bản thân đúng cách. (Tranh minh họa)

Trường THCS Hải Hưng (Hải Hậu) được đánh giá là đơn vị triển khai tốt hoạt động giáo dục giới tính cho học sinh. Mới đây, trong tiết học ngoại khoá, Ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) huyện Hải Hậu tổ chức tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh toàn trường nhằm trang bị cho các em các kiến thức và kỹ năng về giới tính, giúp biết cách tự bảo vệ SKSS cho bản thân, giảm thiểu những hệ lụy liên quan đến tuổi dậy thì. Với cách dẫn dắt tự nhiên, tư vấn theo hình thức trắc nghiệm, đố vui..., chuyên viên truyền thông của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã giúp các em nâng cao kiến thức về giới tính, lứa tuổi vị thành niên, những dấu hiệu thay đổi bản thân khi bước vào tuổi dậy thì và kỹ năng CSSKSS bản thân... Không chỉ được cung cấp kiến thức về giới tính, học sinh còn mạnh dạn, chủ động chia sẻ, tâm sự với bạn bè về những điều thầm kín của tuổi dậy thì. Ban đầu dẫu còn chút e ngại, rụt rè nhưng với không khí thân mật, gần gũi, các em đã dần cởi mở và tự tin chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình về tuổi dậy thì. Học sinh Bùi Mai Trang, lớp 8B cho biết: “Ban đầu, em rất khó nói về chuyện tế nhị này, kể cả với bố mẹ. Khi thấy có những thay đổi trong cơ thể, em thường lên mạng tự tìm kiếm thông tin hoặc trao đổi với bạn bè cùng trang lứa. Với cách tuyên truyền như hôm nay, em thấy dễ hiểu hơn, dễ nhớ và tự nhiên hơn”. Cô giáo Đinh Thị Kền, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Hải Hưng chia sẻ: "Trong quá trình lên lớp dạy các em, tôi nhận thấy các em rất quan tâm tới vấn đề tâm sinh lý bản thân. Vì vậy, việc tổ chức những chuyên đề giáo dục giới tính và CSSKSS với sự dẫn dắt, chia sẻ từ các chuyên gia cho các em là rất cần thiết nhằm giúp các em tiếp cận được với các vấn đề giáo dục giới tính một cách dễ dàng hơn”. Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khoá, nhà trường khuyến khích học sinh tiếp cận với giáo dục giới tính từ nhiều khía cạnh, phương diện thông qua các hoạt động tập thể như: lồng ghép giáo dục giới tính cho học sinh thông qua các môn học như Giáo dục công dân, Sinh học, Ngữ văn; mời các diễn giả về nói chuyện, chia sẻ với học sinh các kiến thức về tình bạn, tình yêu lứa tuổi học trò… từ đó giúp các em học sinh tiếp cận được với các vấn đề giáo dục giới tính một cách dễ dàng hơn. Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu trong giờ sinh hoạt hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm đưa nội dung giáo dục giới tính lồng ghép vào các hoạt động xây dựng nền nếp, tác phong học tập cho học sinh và đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tuổi học sinh THPT là thời kỳ đạt được sự trưởng thành về mặt cơ thể. Sự phát triển thể chất đã bước vào thời kỳ phát triển bình thường, hài hòa, cân đối, tuy nhiên hiểu biết, vốn sống, nhận thức chưa hoàn toàn trưởng thành. Do đó, việc giáo dục giới tính, CSSKSS cho lứa tuổi này rất cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần. Để việc giáo dục giới tính, CSSKSS cho học sinh trong các nhà trường mang lại hiệu quả, thời gian qua, các cấp, ngành, gia đình và nhà trường đã tích cực vào cuộc trong công tác truyền thông, giáo dục về SKSS cho lứa tuổi vị thành niên. Đối với ngành GD và ĐT trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục giới tính, SKSS và phòng tránh bị xâm hại thông qua chương trình ngoại khóa, thực hiện lồng ghép vào một số môn học.

Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính trong sách giáo khoa phổ thông hiện nay chưa đáp ứng kịp độ tuổi cũng như nhu cầu thực tế. Nội dung còn nặng về lý thuyết, kiến thức mà quên việc trang bị cho các em kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình. Ở cấp học THPT, những vấn đề liên quan đến giới tính cũng mới chỉ được lồng ghép, tích hợp ở vài môn học như: Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học... hoặc được đề cập trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường nhưng chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu giáo dục, định hướng về giới tính cho học sinh. Trong khi đó, do chế độ ăn uống nên trẻ đang có xu hướng dậy thì sớm. Mặt khác, trẻ lại thường xuyên chịu tác động tiêu cực bởi internet, mạng xã hội, sách truyện, phim ảnh... khiến tâm hồn non nớt, thích khám phá của các em luôn phải đối mặt với những nguy cơ phức tạp của cuộc sống. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi các em lại thiếu các kiến thức cơ bản về giới tính. Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ cũng chưa chú trọng việc giáo dục giới tính cho con, thường cho rằng còn quá sớm để dạy con những vấn đề được cho là nhạy cảm, tế nhị. Một số bậc cha mẹ còn tỏ ra e ngại khi trao đổi, giải đáp những thắc mắc của trẻ về sức khỏe giới tính. Bản thân trẻ cũng ngại chia sẻ với cha mẹ về vấn đề giới tính. Em Kim Ngân, học sinh lớp 7, Trường THCS Trần Bích San (thành phố Nam Định) tâm sự, khi đề cập đến chuyện giới tính, em hay ngại ngùng, xấu hổ, nên không muốn chia sẻ với bố mẹ. Do đó, em thường tự tìm hiểu vấn đề này thông qua bạn bè và internet.

Giáo dục giới tính cho học sinh không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà chỉ đường đi đúng đắn, an toàn nhất cho học sinh. Do vậy, các trường học cần tăng cường tổ chức các buổi chia sẻ công khai những vấn đề liên quan đến SKSS phù hợp với từng lứa tuổi cụ thể; đẩy mạnh truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên; nhân rộng mô hình “Phòng tâm lý học đường” nhằm giúp học sinh có không gian để chia sẻ với thầy cô những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến SKSS vị thành niên. Bên cạnh sự quan tâm, nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành, nhà trường thì phụ huynh cần quan tâm giáo dục về giới tính cho con em mình, nhất là học sinh trong độ tuổi THCS. Cần quan tâm, gần gũi, tâm sự, lắng nghe con em để kịp thời giải đáp các thắc mắc về giới tính hoặc phát hiện những bất thường về tâm sinh lý của trẻ để có sự can thiệp, định hướng kịp thời, góp phần định hướng, nuôi dưỡng các em phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com