Xác định vai trò, tầm quan trọng của thế hệ trẻ với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, những năm qua các trường học trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động giáo dục môi trường gắn liền với phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".
Học sinh, sinh viên trong tỉnh tham gia trồng cây chắn sóng, bảo vệ môi trường khu vực ven biển Nghĩa Hưng. |
Từ nhiều năm qua, Trường THCS Hải Lý, thị trấn Cồn (Hải Hậu) đã triển khai nhiều hoạt động trải nghiệm, các cuộc thi khoa học kỹ thuật thúc đẩy hành động có trách nhiệm với môi trường của học sinh. Thông qua các cuộc thi, học sinh nâng cao hiểu biết về mô hình giáo dục STEM trong bảo vệ môi trường, được thực hiện các sản phẩm tái chế, khuyến khích tinh thần sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực môi trường, nâng cao tính năng động, đoàn kết và khả năng làm việc nhóm giữa các học sinh. Đặc biệt, do sinh sống và học tập ở khu vực ven biển, các em chứng kiến rác thải nhựa từ các nguồn cửa sông đổ ra rất nhiều, trôi dạt vào bờ gây ô nhiễm môi trường. Các em được khuyến khích phân loại rác ngay từ sinh hoạt trong gia đình, trong lớp học. Nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức các buổi thu dọn rác nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; xây dựng “Công trình măng non - ngôi nhà kế hoạch nhỏ” để học sinh thu gom, phân loại rác thải để bán lấy tiền gây quỹ Đội nhằm hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong giám sát sử dụng hóa chất trừ sâu và quan sát đa dạng sinh học nhằm thúc đẩy nông nghiệp sinh thái huyện Hải Hậu”, đầu tháng 10 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hải Xuân đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và môi trường cùng với học sinh Trường THCS Hải Xuân tổ chức truyền thông chiến dịch “16 ngày hành động toàn cầu về nông nghiệp sinh thái” với thông điệp chủ đạo: “Nông nghiệp sinh thái - giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu! Thanh niên và phụ nữ nông thôn - Người kiến tạo tương lai bền vững của lương thực và hành tinh”. Trong buổi truyền thông các em học sinh của nhà trường đã được tuyên truyền về các loài sinh vật có lợi (ong, bướm…) và chia sẻ tác hại của thuốc trừ sâu hóa học đối với môi trường sống của con người và đa dạng sinh học; cách thức làm giảm tác hại của thuốc trừ sâu hóa học, kiểm soát sâu bệnh bằng cách không sử dụng thuốc sâu hóa học độc hại, hướng dẫn cách làm thuốc trừ sâu sinh học từ nguyên liệu thiên nhiên có sẵn tại gia đình. Buổi tuyên truyền chiến dịch đã mang lại rất nhiều ý nghĩa cho học sinh nhà trường trong việc bảo vệ môi trường. Các em không chỉ hiểu và làm theo mà còn là một thành viên tích cực trong việc tuyên truyền cho các bậc cha mẹ và những người thân xung quanh chủ động tích cực, làm giảm thiểu tác hại của thuốc trừ sâu hóa học, kiến tạo một môi trường không có hóa chất trừ sâu, bảo vệ các loài côn trùng có lợi, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.
Để nâng cao ý thức ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã tích cực tham mưu với các địa phương đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn trong các cơ sở giáo dục; nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên, học sinh về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai phần mềm quản lý rủi ro thiên tai để quản lý công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại các cơ sở giáo dục; xây dựng tài liệu phục vụ giáo dục và bảo vệ môi trường, triển khai bộ sách về trường học an toàn phòng, chống thiên tai tới các cơ sở giáo dục; chỉ đạo tích hợp, lồng ghép các nội dung dạy học và giáo dục, trong đó có nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai. Các đơn vị trong ngành tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi về giáo dục bảo vệ môi trường như các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi vẽ tranh về bảo vệ môi trường, tham gia Giải thưởng Sáng tạo xanh, cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, thi sáng tạo đồ dùng, đồ chơi tự làm...
Các nhà trường đã tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho học sinh về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu với nội dung và hình thức phong phú; xây dựng góc tuyên truyền về môi trường như: trang trí bảng tin với hình ảnh, khẩu hiệu hoặc tranh, ảnh về bảo vệ môi trường trong trường học; tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động hưởng ứng tại địa phương; mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trở thành một tuyên truyền viên đến gia đình và xã hội. Tiêu biểu như Đội tuyên truyền măng non về môi trường của thành phố Nam Định; câu lạc bộ (CLB) Dòng sông quê em của Trường THCS Vĩnh Hào (Vụ Bản), Trường THCS Yên Ninh (Ý Yên), CLB Sức sống xanh Trường THPT Nam Trực, CLB Ngọn lửa xanh Trường THPT Nguyễn Khuyến và CLB truyền thông tại các trường THCS, THPT, các đội phát thanh măng non đã lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Hình thức tuyên truyền luôn được đổi mới thông qua tiểu phẩm, sân khấu hóa, triển lãm đồ dùng, đồ chơi tự làm, vẽ tranh, sáng tác thơ, văn, các CLB, các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật, trình diễn thời trang tái chế... Đến nay, hầu hết các trường học trong tỉnh đã bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường, có tường bao, cổng trường, biển trường, trồng cây xanh bóng mát, vườn hoa, cây cảnh, sân chơi, bãi tập, đồ chơi ngoài trời cho trẻ mầm non, công trình nước sạch, ánh sáng, nhà vệ sinh đúng quy chuẩn. Thường xuyên tổ chức cho học sinh tham gia lao động vệ sinh quét dọn, khơi thông cống rãnh theo lịch và những đợt chiến dịch; tăng cường việc hướng dẫn, sử dụng, bảo quản có hiệu quả các công trình nước sạch, công trình vệ sinh; quan tâm rèn luyện kỹ năng bảo vệ nguồn nước và môi trường cho cán bộ, giáo viên, học sinh, tích cực rèn luyện thói quen vệ sinh văn minh, kỹ năng sống bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cho học sinh; lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu vào các môn học chính khóa và hoạt động giáo dục.
Đặc biệt, thực hiện cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các nhà trường đã quan tâm xây dựng hệ thống cây xanh, vườn trường, trang trí trường lớp sạch đẹp, thoáng mát và mua thùng rác đặt ở nhiều vị trí khác nhau tạo thuận lợi cho học sinh trong việc làm vệ sinh trường, lớp. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục môi trường còn được thực hiện thông qua hoạt động làm đồ dùng tái chế từ các vỏ đồ hộp, giấy bìa loại, vật dụng cũ... tham gia hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”; chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”... giúp học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về vai trò của môi trường đối với con người và tác động của con người đối với môi trường, phát triển kỹ năng bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết, nhất là với lứa tuổi học sinh. Môi trường xanh - sạch - đẹp ngay tại nhà trường sẽ giúp cho học sinh nâng cao thể chất, tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời giúp các em có thêm ý thức, kỹ năng và trở thành những tuyên truyền viên cho người thân và cộng đồng ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin