Nâng cao hiệu quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong tình hình mới

08:40, 22/10/2024

Trong 9 tháng năm 2024, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực. Chính sách dân số được thực hiện toàn diện các mặt quy mô dân số, cơ cấu, phân bố dân số; đặc biệt chú trọng chất lượng dân số gắn mật thiết với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 16.038 trẻ sinh ra, giảm 328 trẻ so với cùng kỳ năm 2023.
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 16.038 trẻ sinh ra, giảm 328 trẻ so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng chí Vũ Tài Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số (Sở Y tế) cho biết: Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Quyết định số 158/QĐ-SYT ngày 26/01/2024, Chi cục tập trung triển khai hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhận thức và thực hiện của người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực, tỷ suất sinh thô giảm; quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi; đã kiểm soát được tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong tỉnh. Số trẻ sinh ra trong 9 tháng năm 2024 toàn tỉnh là 16.038 trẻ, giảm 328 trẻ so với cùng kỳ năm 2023 (16.526 trẻ). Số trẻ là con thứ 3 trở lên là 3.422 trẻ, giảm 164 trẻ so với cùng kỳ năm 2023 (3.586 trẻ). Tỷ số giới tính khi sinh 113,8 bé trai/100 bé gái, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 0,3 điểm phần trăm (113,5 bé trai/100 bé gái). Số phụ nữ có thai được khám sàng lọc trước sinh là 5.306/11.350 người, đạt 46,75% kế hoạch năm. Số trẻ em mới sinh được khám sàng lọc sơ sinh là 11.840/16.150 trẻ, đạt 73,31% so với kế hoạch năm.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số được triển khai đồng bộ bằng nhiều hình thức. Chi cục đã phối hợp Trung tâm Y tế các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Ý Yên, Mỹ Lộc, Trực Ninh tổ chức 32 hội nghị truyền thông vận động các cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Xuân Trường triển khai 13 hội nghị truyền thông vận động các cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; 5 hội nghị truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tập trung tuyên truyền thông điệp “mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con”, ưu tiên vận động giảm sinh ở địa phương có mức sinh cao. Tổ chức 10 lớp tập huấn cho 1.000 cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số về bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, theo dõi đối tượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ năm 2024. Cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe chủ động cho người cao tuổi và cho người thân của người cao tuổi; chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) và chăm sóc dinh dưỡng, chế độ tập luyện, vệ sinh cá nhân cho học sinh tại các trường THCS, THPT. Tổ chức tập huấn cho 500 cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổ chức tập huấn cho 2.048 cộng tác viên và 226 cán bộ chuyên trách ở thôn, xóm, tổ dân phố và toàn bộ viên chức Phòng Dân số - Trung tâm Y tế cấp huyện về Chương trình điều chỉnh mức sinh tỉnh Nam Định đến năm 2025. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025.

Từ đầu năm đến nay, công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện thường xuyên, đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng các loại vắc-xin: bại liệt (IPV), viêm não Nhật Bản, sởi - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) vào các ngày 5, 6 hằng tháng. Tiêm chủng vắc-xin lao (BCG), vắc-xin phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib), bại liệt (bOPV), sởi cho trẻ em dưới 1 tuổi, vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai vào các ngày 25, 26, 27 hằng tháng tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tiêm vắc-xin VGB tại các bệnh viện, trung tâm y tế có phòng sinh; tiêm vắc-xin BCG tại các bệnh viện, trung tâm y tế có phòng sinh trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ tiêm BCG trước khi trẻ ra viện tại các cơ sở y tế đạt ≥ 90%). Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 71,4%; tỷ lệ tiêm uốn ván mũi 2 cho phụ nữ mang thai (UV2+) đạt 55%...

Chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2024 triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực. 9 tháng năm 2024, phát hiện 140.469 người mắc bệnh tim mạch, 58.061 người mắc bệnh đái tháo đường, 2.064 người tham gia điều trị methadone, đạt 89,7% so với chỉ tiêu năm 2024; 13.761 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV. 

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng như các địa phương trong cả nước nói chung, Nam Định nói riêng đang đối mặt với vấn đề “già hoá dân số”. Nam Định là tỉnh đông dân và có mật độ dân số cao so với cả nước, tỷ lệ người cao tuổi hiện chiếm khoảng 13% dân số toàn tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh 9 tháng năm 2024 cao hơn tỷ số giới tính khi sinh so với cùng kỳ năm 2023 là 0,3 điểm phần trăm (113,5 bé trai/100 bé gái). 9 tháng đầu năm vẫn chưa có thuốc, vật tư tiêu hao cho công tác triển khai làm dịch vụ KHHGĐ tại địa phương. Tại tuyến huyện, số cán bộ trực tiếp làm công tác dân số tại Phòng Dân số vẫn còn thiếu so với biên chế được giao, thậm chí có đơn vị chỉ có 2 đến 3 viên chức Phòng Dân số, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên thường xuyên có sự biến động lớn, vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Thù lao cho cộng tác viên dân số rất thấp.

Đồng chí Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Thực hiện hiệu lực, hiệu quả Kế hoạch số 32/KH-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Nam Định thực hiện Chiến lược Dân số đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu: Tiếp tục giảm sinh nhằm đưa mức sinh về mức sinh thay thế, tỷ suất sinh thô giảm trung bình hàng năm từ 0,10-0,15%0. 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản. Kiểm soát tốc độ gia tăng, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu tỷ số giới tính khi sinh về mức 113 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn đạt 60%; tuổi thọ bình quân đạt 75,3 tuổi, trong đó thời gian khoẻ mạnh tối thiểu 67 năm. Thích ứng với “già hoá” dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; có 60% số xã, phường đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khoẻ, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở y tế theo phân tuyến kỹ thuật trên cơ sở tăng cường tập huấn đảm bảo yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng tư vấn cho người làm dịch vụ KHHGĐ và tăng cường giám sát chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các xã thuộc vùng khó khăn, vùng ven biển; địa bàn mức sinh cao, địa bàn trọng điểm. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục giảm sinh nhằm sớm đưa mức sinh về mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tỉnh Nam Định đến năm 2030, đẩy mạnh hoạt động tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe, giảm bệnh, tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh, nhất là bệnh, tật và tử vong có liên quan đến các yếu tố di truyền. Tăng cường truyền thông nhân dịp Ngày Dân số Việt Nam (26/12) và Tháng hành động quốc gia về dân số.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com