Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đã tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng thị trường lao động.
Học sinh Trường cấp 3 nông nghiệp (mô hình Nhật Bản) trong một giờ thực hành. |
Tỉnh Nam Định hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 Trung tâm GDNN và 7 cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đào tạo hơn 120 ngành nghề ở cả ba cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, với tổng quy mô đào tạo 35.200 người/năm, trong đó tỷ lệ đào tạo lao động thuộc lĩnh vực công nghiệp khoảng 40%. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tiến hành khảo sát lao động có nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó trung bình có hơn 12 nghìn người/năm có nhu cầu học nghề; số người bước vào độ tuổi lao động của cả tỉnh mỗi năm từ 8-10 nghìn người. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện hiệu quả Đề án phân luồng học sinh sau THCS và THPT, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với học sinh. Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều bố trí phòng tư vấn hướng nghiệp. Với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT học đại học đạt trên 60%; tỷ lệ học sinh học trường nghề tăng hàng năm từ 10-15%... nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã dần đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở GDNN đã từng bước đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng. Quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các chính sách ưu đãi đối với các cơ sở, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN về tín dụng để đầu tư cơ sở vật chất hoặc nâng cao chất lượng đào tạo; ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật; vay vốn ưu đãi từ các chương trình, dự án trong nước và nước ngoài; tham gia đấu thầu, nhận đặt hàng đào tạo của Nhà nước theo quy định… Ngoài ra, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDNN trên địa bàn thực hiện các hoạt động đào tạo, phổ biến tiến bộ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Trong đó, tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế, về kinh phí đào tạo đối với doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Đối với người học được thực hiện các chính sách như được tuyển thẳng, ưu tiên khi xét tuyển hoặc thi tuyển khi đăng ký học nghề theo hình thức đào tạo chính quy hoặc đào tạo thường xuyên ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp); được học liên thông các cấp trình độ đào tạo; miễn học phí đối với người học là người có công với cách mạng hoặc thân nhân người có công với cách mạng; giảm 70% học phí đối với học sinh, sinh viên học các nghề nặng nhọc, độc hại; giảm 50% học phí đối với học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động… Năm 2023, các cơ sở GDNN đã đào tạo được 35,2 nghìn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2023 ước đạt 77%. Tỷ lệ lao động có việc làm, hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn từ nghề đã học đạt trên 85%, góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, lao động có việc làm qua đào tạo, thu nhập lao động nông thôn tăng, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Để đạt được kết quả đó, các cơ sở GDNN đã tập trung gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Đẩy mạnh thực thi cơ chế hợp tác “3 nhà” (Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp), người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chủ động tìm đến các cơ sở GDNN để “đặt hàng” đào tạo, tuyển dụng sinh viên trước và ngay khi tốt nghiệp. Nhiều ngành nghề học sinh chưa tốt nghiệp doanh nghiệp đã nhận vào làm việc như ngành hàn, may mặc… Tiêu biểu như Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, hàng năm nhà trường đã chủ động kết nối, sẵn sàng ký hợp đồng cung ứng lao động cho các tập đoàn lớn, chẳng hạn như Quanta (Đài Loan, Trung Quốc), nhà đầu tư dự án sản xuất máy tính có tổng vốn 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận. Bên cạnh nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo ở các ngành đang có xu hướng tuyển dụng cao như công nghệ thông tin, kỹ thuật điện, điện tử, may mặc...; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để luôn nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp. Riêng năm 2023, nhà trường đã đưa hơn 800 học sinh, sinh viên đi thực tập tại các cơ sở sản xuất, được các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng chi phí thực tập cho các em. Hàng năm, học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%, mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; cá biệt có những ngành nghề học sinh chưa nhận bằng tốt nghiệp song đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc (như các nghề hàn, may, công nghệ ô tô...). Hiệu quả công tác đào tạo nghề của các cơ sở GDNN gắn với giải quyết việc làm từng bước được nâng cao, các ngành nghề được tổ chức đa dạng, phong phú đã giúp cho người lao động lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện của gia đình.
Với mục tiêu phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 131/KH-UBND ngày 29/9/2022 về thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, xác định phát triển GDNN theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm. Phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở GDNN, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới. Đến năm 2025, thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN. Tỷ lệ ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia đạt 80%. Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng đào tạo của một số trường tiệm cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiệm cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiệm cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiệm cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.
Trong điều kiện tỉnh Nam Định đang quan tâm thu hút và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp có chuyên môn và tiềm lực thực sự về tài chính, đầu tư hạ tầng; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là những nhà đầu tư dự án lớn, có công nghệ cao thân thiện môi trường... Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư tại địa bàn tỉnh. Những nỗ lực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh sẽ ngày càng đáp ứng được yêu cầu phát triển về công nghiệp thời gian tới của tỉnh.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin