Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài đội ngũ giáo viên đóng vai trò nòng cốt thì cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học (TBDH) đầy đủ là yếu tố quan trọng để thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, giúp hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao, tạo hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế tại các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 trong tỉnh còn thiếu nhiều hoặc chưa được trang bị kịp thời TBDH, đòi hỏi các nhà trường phải linh hoạt thích ứng.
Học sinh Trường Tiểu học Hải Cường (Hải Hậu) thuyết trình các sản phẩm STEM. |
Thiếu thiết bị dạy học theo chương trình mới
Triển khai Chương trình GDPT mới, Trường THCS thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện và phụ huynh học sinh. Nhà trường cũng trang bị nhiều bộ sách giáo khoa, tạo ra nguồn tư liệu phong phú, đa dạng cho giáo viên, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy. Đội ngũ giáo viên tận tâm với nghề, luôn chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai rộng rãi, ứng dụng thường xuyên trong các giờ dạy, giúp tạo ra hiệu quả thiết thực trong quản lý và dạy học. Trường đầu tư hệ thống máy tính kết nối internet, đảm bảo cho giáo viên ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Tuy vậy, so với yêu cầu nhiệm vụ thực hiện Chương trình GDPT mới, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn về nhân lực và TBDH. Các TBDH của nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu các danh mục TBDH (do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành) cho từng chủ đề...
Nhiều trường học ở các cấp học trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng thiếu TBDH. Tại Trường Tiểu học Hải Cường (Hải Hậu), quá trình triển khai chương trình mới, TBDH hiện đại chưa có nhiều, chưa đủ theo quy định. Trang thiết bị, nhất là hệ thống máy tính trong phòng Tin học sử dụng nhiều năm nên chất lượng kém, chạy chậm, hỏng hóc thường xuyên. Nhà trường có đường truyền kết nối internet, tuy nhiên hệ thống cơ sở hạ tầng mạng còn thiếu đồng bộ, tốc độ chậm. Việc mua sắm bổ sung, thay thế hàng năm các TBDH này hiện gặp khó khăn về nguồn kinh phí, việc sửa chữa, khắc phục các thiết bị hư hỏng trong quá trình sử dụng gây gián đoạn việc dạy và học.
Linh hoạt thích ứng việc thiếu thiết bị dạy học
Để khắc phục tình trạng thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT của các nhà trường ở các cấp học, các nhà trường và đội ngũ giáo viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn để có thể tổ chức dạy học theo định hướng của chương trình. Cô Đỗ Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, Trường Tiểu học Hải Cường cho biết: “Để đảm bảo việc giảng dạy, chúng tôi đã tận dụng hết sức những TBDH từ chương trình 2006, bởi thực tế Chương trình GDPT 2018 là kế thừa và phát huy những điểm tích cực của chương trình cũ. Bên cạnh đó, giáo viên dành thời gian nghiên cứu sáng tạo thiết kế tự làm đồ dùng dạy học để phục vụ giảng dạy. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài mong các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ TBDH cho các trường khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn như trường chúng tôi”.
Cô Phạm Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Cường cho biết thêm: Nhà trường phát động đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Tận dụng các sản phẩm STEM như tranh, ảnh, các đồ dùng, mẫu vật để đáp ứng nhu cầu dạy học, khắc phục tạm thời các khó khăn thực tế. Bố trí, sắp xếp thời khóa biểu để giáo viên có điều kiện luân phiên sử dụng thiết bị một cách tối ưu. Bố trí, khai thác cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường, của địa phương như giảng dạy các tiết Đạo đức, Lịch sử tại phòng Truyền thống, phòng Thư viện… Tăng cường xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, huy động nguồn lực mua sắm trang bị TBDH; tranh thủ nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị ngoài trường học của tổ chức, cá nhân ủng hộ để triển khai các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoại khóa… Năm học 2024-2025 trường được UBND xã xây dựng nhà 2 tầng 8 phòng học, diện tích đảm bảo yêu cầu. Trường có đầy đủ các phòng hỗ trợ học tập như phòng Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học… có khu Nhà đa năng, thư viện đạt chuẩn Thư viện tiên tiến. Trường tiết kiệm kinh phí, vận động viện trợ, tài trợ mua sắm, bổ sung được phần mềm thư viện giúp quản lý và khai thác thư viện số; các thiết bị vận động ngoài trời, 2 cột bóng rổ, 1 bàn bóng bàn, còi, dây nhảy… phục vụ môn Giáo dục thể chất; ti vi có kết nối tnternet, máy tính, máy chiếu phục vụ giảng dạy và khai thác dữ liệu; loa, mành rèm chống ồn phục vụ phòng Tiếng Anh và Âm nhạc và hàng trăm đồ dùng dạy học tự làm và các sản phẩm STEM góp phần hỗ trợ khai thác kiến thức...
Tại Trường THCS thị trấn Cát Thành, để khắc phục việc thiếu TBDH, từ đầu năm học Ban giám hiệu triển khai cho giáo viên đăng ký sử dụng TBDH theo môn, tuần (có ghi nhật ký mượn, trả). Yêu cầu giáo viên xây dựng kế hoạch sử dụng TBDH, tổ chức kiểm tra, phê duyệt và lưu hồ sơ để có cơ sở theo dõi, quản lý việc sử dụng TBDH của giáo viên. Các giáo viên phụ trách thiết bị, phòng bộ môn xây dựng kế hoạch hoạt động theo năm, tháng, tuần và nội quy sử dụng TBDH, sử dụng phòng học bộ môn đồng thời cập nhật thường xuyên các thông tin về TBDH như: mượn - trả, bổ sung, hư hỏng... Giáo viên bộ môn rà soát lại thiết bị hiện có, từ đó có kế hoạch tu sửa, tận dụng những thiết bị còn sử dụng được của chương trình 2006 để thực hiện trong các giờ dạy trên lớp. Phát động giáo viên, học sinh tự làm đồ dùng; sắp xếp tranh ảnh, thiết bị theo môn, khối, lớp có ghi nhãn để tiện sử dụng; đồng thời, sử dụng các phần mềm mô phỏng hay thí nghiệm ảo...
Hiện tại hầu hết các trường đã chủ động khắc phục để thích ứng và tháo gỡ khó khăn này theo nhiều cách để đảm bảo triển khai dạy học chương trình mới đạt hiệu quả. Các giải pháp tự làm, tự sửa chữa, tự cải tiến TBDH tại các nhà trường đã và đang khắc phục kịp thời những thiết bị còn thiếu, bổ sung các thiết bị chưa có điều kiện mua sắm, thay thế hoặc cải tiến các thiết bị hư hỏng, mất mát cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của mỗi nhà trường, góp phần khắc phục những khó khăn do thiếu TBDH, để tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, triển khai hiệu quả và bám sát định hướng đổi mới của chương trình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giảng dạy tại các nhà trường. Tuy nhiên, dù đã được khắc phục bằng nhiều cách khác nhau, nhưng không thể phủ nhận việc chậm được trang bị, cung cấp các TBDH ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy học theo chương trình sách giáo khoa GDPT mới. Do đó, các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc mua sắm, cung cấp TBDH, để việc dạy, học của các nhà trường đáp ứng mục tiêu phát huy tối đa năng lực cơ sở vật chất và người học.
Các nhà trường tiếp tục tiết kiệm chi tiêu, tăng cường vận động viện trợ tài trợ, dành kinh phí, có kế hoạch cụ thể trong việc mua sắm bổ sung TBDH theo yêu cầu. Phát huy hơn nữa thế mạnh của đội ngũ trong việc khai thác học liệu số, thiết kế bài giảng điện tử. Không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, dạy ngoài không gian lớp học, tận dụng cảnh quan sẵn có, đặc điểm địa phương, tăng cường ứng dụng trải nghiệm trong giảng dạy. Giáo viên tăng cường ứng dụng CNTT để khai thác học liệu điện tử như tranh, ảnh, bản đồ, các thí nghiệm ảo... Các trường khuyến khích giáo viên làm đồ dùng dạy học hàng năm để tăng cường về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu dạy học chương trình mới.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin