Ghi nhận bước đầu và những vấn đề đặt ra trong thí điểm học bạ số

08:57, 29/10/2024

Học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã tích cực triển khai các bước nhằm thí điểm và tiến tới triển khai rộng rãi học bạ số, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Trong đó, triển khai thực hiện học bạ số bậc tiểu học đang thực hiện và đạt một số kết quả khả quan.

Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phương pháp dạy học tích cực tại Trường Tiểu học xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).
Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phương pháp dạy học tích cực tại Trường Tiểu học xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng).

Toàn tỉnh có 227 trường tiểu học với trên 165.200 học sinh. Năm học 2023-2024, qua triển khai thí điểm học bạ số từ lớp 1 đến lớp 4 tại các trường tiểu học, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường tiểu học đã thành thạo việc nhập thông tin, thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh vào sổ liên lạc điện tử, học bạ số trên phần mềm quản lý và sổ liên lạc điện tử. Hàng tháng, giáo viên cập nhật thông tin, gửi nhận xét tình hình học tập, rèn luyện của học sinh trên phần mềm học bạ số, phụ huynh có thể truy cập phần mềm để nắm bắt, từ đó phối hợp với nhà trường, giáo viên quản lý, giáo dục các em kịp thời.
Trước khi triển khai thí điểm học bạ số, các trường đã triển khai học bạ điện tử. Trong đó, cấp tiểu học triển khai sử dụng học bạ điện tử bắt đầu từ năm học 2019-2020 đối với học sinh lớp 1; học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 sử dụng học bạ theo mẫu in sẵn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT). Các yêu cầu đối với việc sử dụng học bạ điện tử gồm: Cập nhật được kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo Thông tư hướng dẫn của Bộ GD và ĐT. Học bạ phải đảm bảo tính pháp lý và được trả cho học sinh khi học sinh hoàn thành chương trình ra trường hoặc chuyển trường. Học bạ điện tử thực hiện các quy định như đối với học bạ thường; trang thông tin nhà trường in, ghi ngày tháng, ký xác nhận của hiệu trưởng khi học sinh bắt đầu cấp học, các thông tin bổ sung quá trình học tập của học sinh viết tay và có xác nhận của hiệu trưởng; kết thúc mỗi năm học các nhà trường in kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, thực hiện các thủ tục theo yêu cầu như đối với học bạ thường. Năm học 2023-2024, 100% trường tiểu học đã in ấn được các loại hồ sơ sổ sách điện tử gồm học bạ, sổ đăng bộ, sổ gọi tên và ghi điểm, sổ điểm cá nhân của giáo viên từ phần mềm quản lý nhà trường của các đơn vị. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc là việc sử dụng học bạ điện tử của các đơn vị mới thực hiện được bán tự động. Học bạ đã có các dữ liệu đánh giá quá trình học tập rèn luyện được in từ phần mềm quản lý nhà trường sau đó giáo viên và cán bộ quản lý vẫn phải ký tay.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT về việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Sở GD và ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số của ngành và ban hành kế hoạch triển khai, các quy trình và tài liệu kỹ thuật đặc tả để triển khai học bạ số cấp tiểu học. Đồng thời, tổ chức rà soát các điều kiện triển khai học bạ số tại các cơ sở giáo dục (CSGD) về phần mềm, hạ tầng kỹ thuật và chữ ký số; làm việc với các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý nhà trường trên địa bàn thống nhất các nội dung cần bổ sung, nâng cấp về phần mềm quản lý nhà trường đáp ứng các yêu cầu để triển khai học bạ số; làm việc với đơn vị đang triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành Giáo dục của Sở để xây dựng Cổng tiếp nhận học bạ số của tỉnh (CSDL học bạ số của tỉnh). Tổ chức hội nghị tập huấn triển khai thí điểm học bạ số. Phối hợp các đơn vị cung cấp phần mềm hướng dẫn và hỗ trợ các CSGD cấp tiểu học triển khai thực hiện thí điểm học bạ số theo kế hoạch của Bộ. 

Cổng tiếp nhận học bạ số của Sở GD và ĐT được Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel xây dựng và triển khai miễn phí. Cổng tiếp nhận có đầy đủ các chức năng tiếp nhận học bạ số từ các CSGD và kết nối báo cáo với Cổng học bạ số của Bộ GD và ĐT. Tính đến giữa tháng 7/2024, Cổng tiếp nhận học bạ số của Sở đã tiếp nhận được từ các CSGD và nộp báo cáo lên Cổng tiếp nhận học bạ số của Bộ 131.474 học bạ số của học sinh các khối 1, 2, 3 và 4, đạt tỷ lệ 99,67%.

Tại các CSGD, Sở GD và ĐT chỉ đạo và hướng dẫn các CSGD triển khai thí điểm học bạ số trên tinh thần vừa làm, vừa nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, vừa rút kinh nghiệm, linh hoạt thực hiện phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và kịp thời điều chỉnh theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ GD và ĐT. Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của sở, các trường tiểu học đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm học bạ số gồm nâng cấp phần mềm quản lý nhà trường; chuẩn bị chữ ký số cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm các lớp, cán bộ quản lý và của nhà trường, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin (CNTT). Hết năm học 2023-2024, có 226/227 (99,56%) trường tiểu học đã triển khai thành công thí điểm học bạ số (Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy không triển khai do không thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 27/TT-BGDĐT). 

Việc sử dụng học bạ số đã giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý và tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên, giúp giảm gánh nặng ghi chép, quản lý hồ sơ. Theo đánh giá của thầy Đỗ Hồng Duy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng): Việc triển khai học bạ số giúp nhà trường và giáo viên không mất thời gian căn chỉnh học bạ, thời gian in ấn và tiết kiệm kinh phí in ấn học bạ. Không phải bảo quản học bạ sau khi in ấn, lưu giữ được lâu dài trên môi trường số. Hiện nhà trường đang triển khai nâng cấp phần mềm quản lý nhà trường; chuẩn bị chữ ký số cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm các lớp, cán bộ quản lý và của nhà trường, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật về CNTT. Tập huấn năng lực CNTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chuẩn hóa thông tin cá nhân học sinh để khởi tạo học bạ chính xác. Tập huấn về nhận xét, đánh giá học sinh cho giáo viên, kiểm tra việc nhận xét đánh giá của giáo viên trên phần mềm VnEdu... 

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của nhà trường, việc triển khai thực hiện học bạ số còn một số khó khăn: Năng lực CNTT của một số cán bộ, giáo viên, nhân viên còn hạn chế; vẫn có thói quen làm việc trên văn bản viết. Ngoài phần mềm CSDL ngành, hiện tại có 2 đơn vị cung cấp phần mềm là VNPT và Viettel nhưng chưa liên thông đồng bộ với nhau, khi học sinh chuyển trường mà không cùng đơn vị cung cấp dịch vụ thì vẫn phải in bản cứng và nhập vào phần mềm nơi trường đến. Phần mềm chưa tích hợp sổ theo dõi học sinh khuyết tật do đó chưa khởi tạo được sổ theo dõi học sinh khuyết tật, giáo viên vẫn phải có sổ theo dõi riêng. Một số trường, một số địa phương đang triển khai học bạ số nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT còn thiếu, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, triển khai thí điểm học bạ số phải kết hợp nhiều phần mềm để thực hiện, nên các nhà trường, giáo viên gặp phải không ít khó khăn. Chưa có hướng dẫn tạo học bạ số cho một số trường hợp đặc biệt như học sinh khuyết tật, học sinh là người nước ngoài, học sinh bị sai thông tin cá nhân, số định danh cá nhân mà chưa được cơ quan công an sửa chữa, chứng thực. Một số đơn vị, giáo viên trong quá trình triển khai đến thời điểm báo cáo chứng thư số bị lỗi, bị mất, dẫn đến chậm tiến độ... 

Để tạo thuận lợi cho việc triển khai học bạ số trong thời gian tới, các CSGD kiến nghị Sở GD và ĐT sớm ban hành quy định về sử dụng phần mềm học bạ số. Nếu sử dụng thêm 2 phần mềm của VNPT và Viettel thì các phần mềm phải thống nhất và đồng bộ, chia sẻ thông tin được. Nhà trường và học sinh không phải trả phí phần mềm nói chung, phần mềm sổ liên lạc nói riêng. Về phía Bộ GD và ĐT, Bộ cần sớm ban hành thông tư và các văn bản hướng dẫn triển khai học bạ số ở các nội dung như: kinh phí triển khai chữ ký số cho cán bộ, giáo viên; kinh phí để quản lý, lưu trữ học bạ số của học sinh; hướng dẫn triển khai học bạ số đối với các trường hợp như học sinh khuyết tật, học sinh người nước ngoài, học sinh bị sai thông tin cá nhân, số định danh cá nhân mà chưa được cơ quan công an sửa chữa, chứng thực và các trường hợp đặc biệt khác.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com