Những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện. Phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC tiếp tục phát triển rộng khắp; hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH được nâng cao, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại thành phố Nam Định. |
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC và CNCH tới cán bộ, đảng viên và nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú… Điển hình là thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, Công an tỉnh đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114” và tương tác với trang Zalo Cục C07; đến nay có khoảng 39 nghìn thuê bao di động cài đặt App - "Báo cháy 114” và khoảng 20 nghìn tài khoản quan tâm trang Zalo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, thực tập phương án chữa cháy và CNCH đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, Tổ liên gia an toàn PCCC và các hộ gia đình; phối hợp với các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC; tổ chức tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH định kỳ hằng tháng, quý cho học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; phối hợp xây dựng mô hình “Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH”... Qua công tác tuyên truyền từng bước nâng cao nhận thức và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác PCCC và CNCH.
UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH từ cấp tỉnh đến cấp xã; giao Công an tỉnh chủ động phối hợp xây dựng lực lượng PCCC và CNCH ở các cấp trong tỉnh. Hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ở cấp tỉnh có Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH với tổng quân số 110 đồng chí; cấp huyện có 1 bộ phận thực hiện công tác PCCC và CNCH thuộc Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội với tổng số 34 đồng chí; 100% UBND cấp xã giao Công an tham mưu thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH với tổng số 459 đồng chí. Đối với lực lượng PCCC và CNCH khác, gồm: 2.160 đội dân phòng với tổng số 22.752 đội viên; 3.615 đội PCCC cơ sở với tổng số 23.613 đội viên và 4 đội PCCC chuyên ngành với tổng số 99 đội viên. Hàng năm lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức các hội nghị, hội thi nghiệp vụ chữa cháy và CNCH, “Tổ liên gia an toàn PCCC"; tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia với mức độ cấp vùng, cấp tỉnh.
Đặc biệt, đầu năm 2024 UBND tỉnh đã đăng ký và được Bộ Công an nhất trí về chủ trương triển khai xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn PCCC" (là địa phương đầu tiên trên toàn quốc đăng ký xây dựng mô hình này). Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về triển khai xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC”; thành lập Ban chỉ đạo xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC". 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện ủy, thành ủy, UBND các huyện, thành phố, đảng ủy, UBND cấp xã ban hành chương trình, kế hoạch về "Tỉnh an toàn PCCC” gắn với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tại địa phương; 100% cán bộ, đảng viên, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ký cam kết về bảo đảm an toàn PCCC; kiểm tra an toàn sử dụng điện đối với 100% cơ sở, hộ gia đình. Chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp xã kiểm tra việc triển khai thực hiện xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC”.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH được phát triển sâu rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.160 đội dân phòng/2.160 thôn (xóm), tổ dân phố (đạt 100%); 3.615 đội PCCC cơ sở/3.615 cơ sở thuộc diện phải thành lập (đạt 100%); 1.770 “Tổ liên gia an toàn PCCC"; 1.415 “Điểm chữa cháy công cộng" tại các khu dân cư; đồng thời duy trì các mô hình PCCC khác, như: “Tổ dân phố an toàn PCCC", "Khu dân cư an toàn PCCC"; vận động 100% hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay... Ngoài ra, UBND tỉnh chú trọng phân bổ ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH từng bước cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh được trang bị 19 xe chữa cháy; 2 xe CNCH; 2 xe thang, 1 ca-nô chữa cháy và CNCH; 2 xuồng CNCH; 2 xe chỉ huy; 1 xe cứu thương và 2 mô tô chữa cháy; 100% các huyện, thành phố đã bố trí được địa điểm, quỹ đất cho phát triển các Đội Chữa cháy và CNCH thời kỳ 2021-2030.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC và CNCH, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, phân cấp về công tác PCCC và CNCH, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC xây dựng và thực tập phương án tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và CNCH có huy động nhiều lực lượng tham gia; các lực lượng công an, quân đội, điện lực, y tế... và các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ trong công tác chữa cháy, CNCH. Điển hình như đầu tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), trên địa bàn tỉnh Nam Định liên tục có mưa, kết hợp triều cường, mực nước trên các tuyến sông tăng cao, vượt báo động 3. Hệ thống đê bối ở 7/9 huyện, thành phố bị nước tràn qua, nhiều nơi ở tỉnh Nam Định bị ngập lụt. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND tỉnh đã yêu cầu 9 huyện, thành phố trên địa bàn thành lập 22 sở chỉ huy hiện trường, mỗi huyện từ 1 đến 4 sở chỉ huy, tùy tình hình thực tế. Đồng chí Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Đồng hành cùng nhân dân khẩn trương ứng phó bão Yagi, các lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều nhiệm vụ: dùng phương tiện chuyên dụng hỗ trợ người dân, di dời tài sản và đảm bảo giao thông tại các khu vực ngập lụt; triển khai các biện pháp hộ đê xung yếu. Đặc biệt, sáng 11/9, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lũ lụt tại khu vực cầu Tân Đệ, xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định), Tổ công tác Cảnh sát giao thông đường thủy đã phối hợp cùng một số tàu thuyền địa phương cứu giúp kịp thời một gia đình 3 người trên bè cá trôi dạt trên sông Hồng.
Với việc triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, chất lượng công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh được nâng cao, góp phần phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các nguy cơ dẫn đến cháy nổ, tai nạn, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 28 vụ cháy, làm bị thương 2 người, thiệt hại về tài sản khoảng 9 tỷ đồng. Tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ kịp thời 35 vụ.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin