Môi trường số cùng trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Tình trạng vi phạm bản quyền khiến giá trị tác phẩm giảm sút, cản trở quá trình đổi mới, sáng tạo; ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Phim “Cám” vừa ra rạp đã bị phát lậu trên mạng. |
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và giới chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế giữa cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân, trung gian...
Thách thức trong kỷ nguyên số
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới; đồng thời, tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng...
Thế nhưng, môi trường số cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.
Với tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, hành vi vi phạm bản quyền diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán. Cùng với đó, AI cũng gây ra nhiều nỗi lo về gia tăng vấn nạn vi phạm bản quyền…
Theo bà Soyeong Ahn, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc), bản quyền đóng góp lớn vào nền kinh tế thế giới. Tỷ trọng bản quyền chiếm 7,42% GDP ở các nước phát triển và 4,6% ở các nước đang phát triển; đem lại 6,94% cơ hội việc làm ở các nước phát triển và 4,56% ở các nước đang phát triển.
Đóng góp nhiều cho sự phát triển GDP cũng như kinh tế - xã hội của các quốc gia, nhưng bản quyền lại chịu nhiều “tổn thương” khi tình trạng vi phạm diễn ra phức tạp trên môi trường số.
Việc vi phạm bản quyền trong thời đại kỹ thuật số thể hiện ở hai phương thức: Một là nhà điều hành các trang web bất hợp pháp; hai là người dùng bất hợp pháp. Nhà điều hành bất hợp pháp có cách thức hoạt động và hệ thống hiện đại, sử dụng máy chủ ở nước ngoài, truyền dữ liệu thông qua phương thức ẩn danh nên rất khó để phát hiện.
Về phía người dùng bất hợp pháp, họ thường tải nội dung để sở hữu riêng hoặc chia sẻ với gia đình, bạn bè. Hiện tại, công nghệ kỹ thuật số có thể truyền phát, cho phép nhiều người cùng sử dụng các nội dung bất hợp pháp.
Bà Soyeong Ahn cũng bày tỏ lo ngại AI sẽ là thách thức lớn đối với các vấn đề liên quan đến bản quyền. “Các dịch vụ AI tổng hợp đang phát triển không ngừng. Chat GPT hiện đã sẵn sàng để sử dụng trong sáng tạo nội dung.
Bên cạnh tiện ích là những lo ngại về xung đột với các hệ thống bản quyền truyền thống dựa trên sự sáng tạo của con người. Đã đến lúc, chúng ta cần cùng nhau xác định các vấn đề và làm rõ khuôn khổ pháp lý về bản quyền để chuẩn bị cho kỷ nguyên AI”, bà Soyeong Ahn nói.
Tại Việt Nam, Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) thông tin, vi phạm bản quyền nội dung số phổ biến gồm: IPTV (truyền hình internet), phim số, truyện số, phát trực tiếp các trận đấu thể thao, chương trình biểu diễn… Cùng với đó, trên không gian mạng có khoảng hơn 200 website giao diện tiếng Việt hiện đang có hoạt động xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Trước tình hình vi phạm bản quyền diễn biến phức tạp, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra 122 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; xử phạt hành chính 111 doanh nghiệp vi phạm bản quyền chương trình phần mềm máy tính với số tiền xử phạt lên tới hơn 3.300 tỷ đồng.
Có thể nói, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình trạng vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt là quyền sao chép tác phẩm ở Việt Nam vẫn diễn ra khá phổ biến với tất cả các loại hình tác phẩm, kể cả ở môi trường vật lý cũng như trên môi trường số.
Chủ động hợp tác quốc tế
Với việc các vi phạm ngày càng tinh vi, thể hiện rõ tính chất xuyên biên giới, các giải pháp phòng, chống cũng cần được mở rộng thông qua các hình thức hợp tác quốc tế.
Trong đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập hai Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng là Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn, bản ghi âm (WPPT).
Việc chính thức gia nhập hai Hiệp ước trên đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trên phạm vi quốc tế thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, giáo dục…; làm phong phú khả năng phục vụ đời sống tinh thần của công chúng.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.
Điều này thể hiện qua việc nước ta tham gia vào nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng, hiệp định thương mại tự do và liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác, tập trung vào giải pháp kỹ thuật, đấu tranh phòng, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan xuyên biên giới và trên không gian mạng.
Chủ tịch Cơ quan bảo vệ bản quyền Hàn Quốc Park Jung Youl cho rằng, nếu các cơ quan liên quan của các nước, các nền tảng cùng tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phối hợp trong công tác truyền thông thì sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị tác quyền, hạn chế hành vi vi phạm. “Các nước cần tích cực hơn nữa trong việc hợp tác với nhau để bảo vệ bản quyền, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Bên cạnh hỗ trợ nhau nâng cao năng lực quản lý, các nước có thể cùng nhau triển khai giải pháp kỹ thuật, ngăn chặn, gỡ bỏ các website vi phạm”, ông Park Jung Youl nhận định.
Bảo vệ bản quyền sách nói trên môi trường số Chia sẻ tại buổi ra mắt ứng dụng sách nói MyDio diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, trong lĩnh vực nội dung số, vi phạm bản quyền và các nền tảng lậu đang là vấn đề rất nóng. “Tìm kiếm từ khóa sách nói trên Internet sẽ thấy có hàng trăm, hàng nghìn web, wap có nội dung vi phạm. Đấu tranh chống vi phạm bản quyền sẽ còn là câu chuyện dài…”, ông Nguyễn Trọng Tính cho hay, đồng thời thông tin thêm: Đơn vị sẽ có những đề xuất để đưa ra hành lang pháp lý cho vấn đề này. Trước mắt, độc giả cần nâng cao nhận thức về bảo vệ bản quyền nội dung số, chỉ sử dụng những sản phẩm/nền tảng hợp pháp. Cùng với đó, việc chặn cũng phải phù hợp với hành lang pháp lý, phải có sự tham gia đấu tranh của nhiều bộ, ngành, cơ quan… thì mới thực hiện được. |
NAM ANH (baovanhoa.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin