Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi thời gian qua tiếp tục được các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nông dân, từ đó tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của từng địa phương và nguồn vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất, vươn lên làm giàu.
Hội viên nông dân xã Trực Thắng (Trực Ninh) phát triển mô hình trồng hoa lan. |
Để khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện vùng quy hoạch, xây dựng cánh đồng lớn, tham gia xây dựng và phát triển làng nghề; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ, nuôi trồng thuỷ sản và trồng màu, tập trung sản xuất các vùng chuyên canh, ứng dụng các mô hình cơ giới hóa trong sản xuất. Các hộ nông dân đã tham gia xây dựng 399 “cánh đồng lớn” với diện tích 18.599ha; duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; mô hình hộ, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi. HND các cấp trong tỉnh còn tuyên truyền, vận động hội viên phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo việc làm, quảng bá tiêu thụ sản phẩm... Riêng 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 100 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 13 nghìn lượt hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức 20 lớp dạy nghề cho 700 lượt người, đồng thời phối hợp tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 1.000 người. Đến nay, HND các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân đưa 400 nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử POSTMART. Toàn tỉnh đã xây dựng được 211 mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã với trên 2.900 thành viên tham gia. Nhiều mô hình liên kết tổ chức sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác bảo quản, tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, toàn tỉnh hiện có 183 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã được Hội cho vay theo dự án Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền trên 35 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động. Các cấp Hội còn tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT 12.573 tỷ đồng cho 54.273 hộ vay; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 1.714 tỷ đồng cho 38.730 hộ vay.
Với sự năng động sáng tạo, vượt mọi khó khăn, chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đoàn kết thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, ngày càng có nhiều hội viên nông dân vươn lên làm giàu. Điển hình như ông Đỗ Duy Bắc, xã Nam Điền (Nam Trực) phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, thu nhập trên 1,4 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10-20 lao động, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Đoàn Phó, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ; lợi nhuận thu được hàng năm trên 2,5 tỷ đồng; đồng thời đảm bảo việc làm thường xuyên cho 90 lao động với thu nhập bình quân từ 9-11 triệu đồng/người/tháng. Ông Vũ Văn Chức, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) đã xây dựng 15-20 địa điểm nuôi thả ngao với sản lượng 500 tấn/năm, tạo việc làm cho từ 30-35 lao động với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Văn Cần, xã Yên Thọ (Ý Yên) với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp diện tích 13.500m2 vận hành theo mô hình tuần hoàn, duy trì chăn nuôi thường xuyên 500 con lợn thịt, gần 100 con lợn nái, 3 ao cá với các loại cá chép, trắm, lăng; 300 gốc bưởi Diễn, 150 gốc mít Thái, 100 gốc nhãn, 1.000 cây đinh lăng cho thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm. Bà Đào Thị Hà, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định) nuôi cấy đông trùng hạ thảo, thu 500-700 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Thành, thị trấn Cồn (Hải Hậu) nuôi trồng và sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu, thu 900 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 30 lao động, thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) nuôi thỏ sinh sản, thu 1,3 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Đại Dương, xã Giao An (Giao Thuỷ) có tổng diện tích ao, đầm nuôi khoảng 25ha. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch, cung ứng ra thị trường 15-20 tấn tôm và nhiều tấn ngao vạng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng… Năm 2024, qua phát động phong trào, toàn tỉnh có 261.981 hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. HND tỉnh cũng đã lựa chọn và đề cử 2 hội viên nông dân tiêu biểu tham gia bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024” gồm các ông Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu) và Vũ Đình Kiên, xã Trực Nội (Trực Ninh).
Từ việc nâng cao chất lượng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hội viên nông dân trong tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Các lĩnh vực sản xuất tập trung theo hướng an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt gần 190 triệu đồng/năm. Hàng năm, có trên 400 “cánh đồng lớn” liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi và xử lý chất thải, chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAP. Trên địa bàn tỉnh có 444 trang trại chăn nuôi đạt quy định của Luật Chăn nuôi. Sản xuất thủy sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng và khai thác. Kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6%/năm; đã áp dụng các quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đã hình thành 75 vùng nuôi thủy sản tập trung; 35 cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP; 1 “Vùng nuôi liên kết Lenger Farm” 500ha ở Nam Điền (Nghĩa Hưng) và Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam được chứng nhận ASC. Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh; kết cấu hạ tầng, trình độ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất và cơ giới hóa được tăng cường. Kinh tế hợp tác có bước phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 434 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên; đã xây dựng được 42 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản; đã kết nối, lan tỏa, hình thành hệ thống trên 100 điểm kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin