Huyện Nam Trực là một trong những địa phương có mật độ dân số cao của tỉnh, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh và có nhiều làng nghề truyền thống nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ, vì vậy công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) luôn được địa phương quan tâm chú trọng.
Công an huyện Nam Trực và thành viên Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy thị trấn Nam Giang (Nam Trực) thực hành xử lý tình huống xảy ra cháy tại khu dân cư. |
Đồng chí Vũ Tiến Duật, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của PCCC trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ xảy ra trên địa bàn. Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện đều ban hành nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về công tác đảm bảo an ninh trật tự và PCCC; kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC các cấp; triển khai nghiêm túc, có hiệu quả việc xây dựng “Huyện an toàn PCCC” theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Chỉ đạo lực lượng Công an trong huyện triển khai thực hiện công tác nghiệp vụ, phòng ngừa, phản ứng nhanh khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCCC và CNCH xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật về công tác PCCC và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong công tác PCCC, CNCH.
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH, Công an huyện Nam Trực thường xuyên phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn PCCC bằng nhiều hình thức. Từ năm 2021 đến nay, Công an huyện đã phối hợp thực hiện 19.642 lượt tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh cơ sở, xã, thị trấn; lắp đặt 40 pa nô, treo 500 băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền hàng trăm lượt trên Cổng thông tin điện tử, Zalo, Facebook; tổ chức 500 buổi tuyên truyền trực tiếp với 57.530 người tham gia; tuyên truyền lồng ghép qua sinh hoạt chi bộ, thôn xóm được 1.000 lượt; cài đặt ứng dụng báo cháy 114 cho 6.315 thuê bao; tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn cho 57.530 thành viên hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cho 56/56 tổ liên gia an toàn PCCC... Mặt khác, Công an huyện và công an các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chưa có lối thoát nạn thứ 2 mở lối thoát nạn và trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình; tham mưu, hướng dẫn thành lập đội dân phòng và tổ liên gia PCCC. Hiện nay, toàn huyện đã có 57.430/57.488 hộ gia đình (đạt 99,9%) tự trang bị bình chữa cháy xách tay; xây dựng mới, kiện toàn 223 đội dân phòng với 2.230 thành viên; thành lập 56 tổ liên gia an toàn PCCC ở khu dân cư. Việc trang bị bình chữa cháy từ hộ gia đình và triển khai các đội, tổ PCCC đã góp phần hiệu quả trong công tác PCCC ngay từ cơ sở, từ địa bàn khu dân cư, từ đó khơi dậy phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Cùng với công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng PCCC huyện Nam Trực triển khai thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ và quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn. Công an huyện đã hướng dẫn 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao xây dựng, thực tập phương án chữa cháy theo quy định. Lực lượng Công an trong huyện đã tham mưu xây dựng 701 phương án chữa cháy đối với cơ sở; 32 phương án chữa cháy khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Phối hợp, hướng dẫn tổ chức thực tập 152 phương án chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; diễn tập 32 phương án xử lý tình huống cháy, nổ tại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC được huyện Nam Trực thực hiện nghiêm túc. Trong 3 năm qua, Công an huyện và Công an các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham mưu cho UBND huyện, UBND các xã thành lập 102 đoàn liên ngành và thực hiện 532 lượt kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở, các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Ngoài ra, theo thẩm quyền được giao, lực lượng Công an trong huyện đã tổ chức 2.106 lượt kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Thông qua kiểm tra an toàn PCCC, Công an huyện và Công an các xã, thị trấn đã lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực PCCC đối với 79 trường hợp; tham mưu ra quyết định xử phạt 79 trường hợp trong đó phạt cảnh cáo đối với 54 trường hợp; phạt tiền 25 trường hợp. Các trường hợp vi phạm đều chấp hành nghiêm quyết định xử phạt và khắc phục các lỗi vi phạm về an toàn PCCC đã mắc phải, góp phần phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân, tạo sự chuyển biến trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Nam Trực chỉ xảy ra 5 vụ cháy tại nhà ở của hộ gia đình với tính chất ít nghiêm trọng không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 70 triệu đồng. Để làm tốt hơn nữa công tác PCCC và CNCH, trong thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác PCCC; triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản về PCCC đến các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC, sẵn sàng tham gia cứu chữa kịp thời khi có cháy xảy ra. Chỉ đạo UBND, ban, ngành, đoàn thể các xã, thị trấn tuyên truyền người dân tháo gỡ trụ bê tông, barie, tháo dỡ mái che tự phát... đảm bảo thuận lợi cho công tác PCCC. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng, chủ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra về bảo đảm an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện; từng bước nâng cao ý thức cảnh giác và phòng ngừa của nhân dân trong công tác PCCC, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn PCCC trên địa bàn cũng như chủ động phòng ngừa các nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra.
Bài và ảnh: Văn Trọng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin