Khẩn trương xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau lũ

07:51, 17/09/2024

Sau bão số 3, nhiều địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do lũ, nước ngập sâu nhiều ngày, có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, môi trường; các loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh phát triển mạnh làm phát sinh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Cùng với nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương, mỗi người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Trạm Y tế xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) chuẩn bị thuốc, vật tư y tế đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng do bão, lũ.
Trạm Y tế xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) chuẩn bị thuốc, vật tư y tế đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân bị ảnh hưởng do bão, lũ.

Theo báo cáo của Sở Y tế, bão số 3 (bão YAGI) là cơn bão mạnh với sức gió siêu bão và diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn. Một số khu vực trên địa bàn tỉnh đã bị ngập lụt. Nhờ làm tốt công tác sơ tán dân vùng ngập lụt nên không có thiệt hại về người nhưng nhiều nhà cửa, hoa màu, công trình công cộng, nhà dân… bị thiệt hại nặng nề; cơ sở y tế và thuốc, hóa chất, thiết bị y tế bị thiệt hại nhẹ.

Đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở Y tế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra đột xuất một số đơn vị trong ngành về thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), việc tổ chức triển khai công tác y tế ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chỉ đạo các cơ sở y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ, ngập lụt tại địa bàn, xây dựng, chủ động triển khai các phương án ứng phó bão số 3 và khắc phục hậu quả sau mưa bão kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”. Phân công trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế, trang bị, phương tiện, thiết bị y tế tại đơn vị; kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Các đơn vị đã chủ động đảm bảo nguồn nhân lực, chuẩn bị thuốc, hóa chất, vật tư y tế, thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển PCTT và TKCN; có phương án đảm bảo tài sản cho đơn vị, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, chủ động di chuyển trang thiết bị, vật tư máy móc lên cao; chuẩn bị đầy đủ hóa chất, phương tiện để đảm bảo xử lý môi trường ngay sau mưa lũ.

 Sáng 15/9, nước lũ trên sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy đã rút sâu, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương bị ngập lụt đã và đang khẩn trương dọn đẹp, làm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Với phương châm nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh môi trường đến đấy, thành phố Nam Định chỉ đạo Trung tâm Y tế thành lập các tổ xuống các địa bàn, phối hợp cùng trạm y tế và người dân khẩn trương thu gom, xử lý rác thải, san gạt bùn đất, vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm; hướng dẫn người dân cách xử lý nguồn nước, tiến hành thau rửa và khử trùng giếng khơi, bể chứa, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Tại xã Mỹ Tân, do ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 3, toàn xã có hơn 6.000 người sinh sống tại các thôn Hồng Hà 1, Hồng Hà 2, Phụ Long, Hồng Long bị ngập nước vào nhà từ 0,5-1,2m. Đồng chí Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: Sáng 15/9, sau khi nước rút, xã chỉ đạo trạm y tế, các tổ chức đoàn thể xã, với sự hỗ trợ của hơn 200 sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định khẩn trương thu dọn vệ sinh lau rửa đồ đạc, vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Đình Nhương, 73 tuổi là gia đình nghèo, neo đơn sinh sống tại xóm Hồng Hà 1, bày tỏ: Lũ dâng cao, nhà ông bị ngập sâu, sau khi nước rút lại ngập ngụa bùn non; đồ đạc hư hỏng, nhà có 2 vợ chồng, tuổi cao, không đủ sức dọn vệ sinh nhà cửa... Rất may có đoàn viên, thanh niên đến giúp đỡ, vệ sinh thu gom rác và dọn bùn non.

Bác sĩ Đặng Đình Khiêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định cho biết: Sau bão lũ, nguồn nước, nguồn thực phẩm có nguy cơ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn trong nước, có lẫn chất thải của người và động vật, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết (SXH), sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa, cảm cúm, đau mắt đỏ... Để chung tay khắc phụ hậu quả sau bão lụt, Bệnh viện đã tặng thuốc, vật tư y tế cho Trạm Y tế xã Mỹ Tân, trong đó hỗ trợ cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ và các hóa chất (Cloramin B, phèn chua…) để xử lý nguồn nước, môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Tại huyện Hải Hậu, dịch SXH diễn biến phức tạp, đến ngày 15/9, toàn huyện ghi nhận 37 ca mắc SXH tại 11 xã, thị trấn. Đồng chí Lưu Thị Nghiêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: Để tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, huyện tập trung chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tại các địa phương có ổ dịch như: Thị trấn Yên Định, Hải Long, Hải Trung, Hải An và Hải Sơn… tích cực tổ chức triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy, phòng chống SXH trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 lần mỗi tuần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu hiện tiếp nhận và điều trị nhiều ca mắc SXH. Đồng chí Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu cho biết: Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Dự báo trong tháng 10 và 11, số ca mắc SXH tiếp tục gia tăng và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bệnh viện chủ động xây dựng các phương án tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chuyển tuyến kịp thời, an toàn theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH của Bộ Y tế tại Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 4/7/2023. Tăng cường theo dõi người bệnh SXH đang nằm điều trị nội trú, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh SXH có diễn biến nặng. Bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngày 14/9, Sở Y tế ban hành Công văn 1912 chỉ đạo cơ sở y tế về công tác y tế khắc phục hậu quả bão số 3. Nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh: Chủ động rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh sau mưa lũ, ngập lụt; sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai; củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch, các đội xung kích hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ, ngập lụt. Bảo đảm nhân lực, phương tiện, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các địa phương; tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ, đặc biệt các vùng bị ngập lụt như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, SXH, nhất là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Đảm bảo nước sạch, quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng. Cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý nước sinh hoạt, các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt trong mưa lũ và ngập lụt; thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ. Tăng cường công tác thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm, đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; khẩn trương thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khuôn viên và khử khuẩn các khoa, phòng.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu cho UBND các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp liên ngành triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường ứng phó với các tình huống thiên tai, mưa lũ; tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước theo quy định và công tác đảm bảo y tế trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt; các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh khi mưa lũ và ngập lụt xảy ra theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com